Nguyễn Chính ư? Là quan đại thần không nên như thế. Mất tỉnh thì ngươi
chịu tội trước hết, rồi mới đến Nguyễn Chính, đừng có chối cãi".
Bí quá, Viêm đành tâu thực với vua: "Thần rất khó thuyết phục Vĩnh
Phúc. Vì Phúc là viên tướng có công có tài, đang làm những việc vì nước,
rất chính đáng. Phúc cho rằng nếu mình phải rút quân là mắc mưu giặc
Pháp...". Viêm xin vua giao việc thuyết phục Vĩnh Phúc cho Nguyễn Hữu
Độ, vì Độ đối xử với Phúc có phần chu đáo. Vừa qua Độ hứa cấp tiền cho
Phúc, Phúc hài lòng chờ nhận".
Vua sai người hỏi Hữu Độ: "Có đúng thế không? Ngươi nên trù tính
thế nào cho được?".
Hữu Độ tâu: "Lưu Đoàn vốn ương bướng và hung ác. Có lần tôi làm
chức phó cho Viêm, bảo Phúc đi dẹp giặc Khách, Phúc nói "Chỉ theo lệnh
Thống đốc". Nay bảo Phúc rời Bảo Thắng là rất khó. Trước tình thế cấp
bách, cần nói rõ nghĩa vụ Phúc phải tuân theo; có thể dụ thêm bằng lợi lộc,
may ra được việc".
Hữu Độ cũng tâu vua về điều mà Viêm đã bàn kín với Độ: "Bảo cho
Phúc biết ý triều đình sẽ lại hòa với Pháp. Quan quân đều phải lùi xa Hà
Nội để chờ lệnh, trong đó hàm ý bắt Phúc phải rời Bảo Thắng và Sơn Tây".
Và Độ nhận xét: "Vậy thì việc ấy Viêm đã có kế sẵn. Thần đâu dám khinh
thường nói đến cấp cho tiền bạc. Viêm danh vọng to, chức quyền trọng.
Phúc theo Viêm hơn chục năm qua. Thần chỉ là kẻ tân tiến, ít danh vọng, đi
lại với Phúc chưa đầy một tháng, có ân uy gì mà cảm hóa được Phúc. Việc
khó này xin cứ giao Viêm làm trước sau trọn vẹn".
Vua đọc tờ tâu của Độ phát cáu: "Độ đã từng làm phó sứ cho Viêm,
nay bắt đến cùng Viêm bàn bạc, thuyết phục Vĩnh Phúc". Vua sai rút chức
Tuần phủ của Độ, để đặc phái đi làm việc đó.