Vĩnh Phúc tiếp lời:
- Vâng, tôi có nghĩ tới điều ấy. Cũng như ngài có sự xem xét, phân
biệt giữa quân Cờ Đen với các bọn giặc kia. Tôi đã dành một lực lượng
đáng kể để bình định vùng biên cương Tây Bắc, là nơi gắn với vùng ta hơn.
Không thể để bốn mặt đều có giặc, có phỉ; phải có một vùng hậu cứ. Từ
hậu cứ này tiến ra đánh dẹp các vùng khác.
Quang Bích tâm đắc với Vĩnh Phúc. Ông sức cho các châu, bản tìm
mọi cách giúp đỡ quân Cờ Đen khi tiễu phỉ. Phúc cũng cho quân mình chặn
giặc và phỉ, không cho chúng bén mảng đến gần vùng Quang Bích trị
nhậm.
Do chiến địa được khoanh vào vùng trên, nên vùng đất giữa hai dòng
sông Thao, sông Chảy, từ Lào Cai xuống Lâm Thao được sống bình yên,
Quang Bích dồn tâm lực vào lo chính sự. Thấy dân vùng này quanh năm ăn
ngô sắn, vì không giữ được nước cấy lúa, ông đi xem xét hình thế đất đai,
gọi bọn chức dịch châu, bản lên bàn định. Nơi này đắp đập giữ nước làm hồ
chứa tưới màu, nơi kia đào mương tiêu nước cấy lúa. Ven sông lớn thì cơi,
đê xếp kè chống lũ. Nhờ vậy ngô sắn tốt tươi, đồng lúa mở rộng, dân đủ
lương ăn...
Ngày ngày, Quang Bích quy tụ quân Cờ Đen vào việc đánh giặc, tiễu
phỉ, trị thủy, chống tham nhũng. Bản thân ông sống thanh bạch liêm khiết.
Dân địa phương cảm phục và truyền tụng. Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ cùng
Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) chứng
thực và tâu về triều. Quang Bích được vua Tự Đức khen là thanh quan
(quan thanh liêm), và sai bộ Lại thăng chức cho ông làm Án sát Sơn Tây.
Hôm ông từ giã phủ Lâm Thao, các chức dịch châu, bản, đem nông
phẩm, nông sản lên biếu, ông cảm tạ và trả lại. Sĩ phu trong vùng tặng ông
đôi câu đối: