Thấy đường đi, lối lại, lợi cho tiến công nhưng chưa lợi cho thoái thủ,
Quang Bích nói với Quang Hoan:
- Cần phải sửa cái lối mòn giữa hẻm núi Lưỡi Hái kia cho rộng hơn,
đỡ dốc hơn, tạo lối thông sang Yên Lập và Nghĩa Lộ.
Xuống một chiếc thuyền nan, Quang Bích cùng người phụ tá lướt trên
con ngòi Giành, xem xét việc phòng thủ phía sông Thao trống trải. Một đồn
của nghĩa quân được đặt ở làng Mỹ Lương, để án ngữ cửa ngõ ra vào Tiên
Động. Nơi đây có súng thần công nạp đạn phía trước, có cả súng trường
kiểu mới mua từ bên Tàu. Có ngựa cho thám tử đi nắm tình hình địch, tuy
chỉ vài ba con. Hỗ trợ cho tiền đồn này là đồn Cỏ Lác và đồn Gò Dọc.
Quang Bích nói với Hoan:
- Rồi đây, giặc sẽ đánh ta từ mặt này là chính. Từ sông Thao đổ vào
hay từ Hưng Hóa kéo lên, giặc đều nhắm hướng này để đánh ta. Việc phòng
bị ở đây rất quan thiết. Chắc chắn giặc không thể tiến quân từ phía tây theo
khe núi Lưỡi Hái, nhưng phải đề phòng chúng từ vùng Minh Côi vào.
- Thưa quan - Quang Hoan ngẫm nghĩ rồi nói - Phòng bị thì phải tính
mọi ngõ ngách mà địch có thể kéo đến. Nhưng ở phía bắc đồi núi lởm
chởm, khe suối dằng dịt, chúng có xông vào cũng phải tính toán kỹ.
- Chúng phải tính toán, nhưng cần vào thì chúng vẫn qua đó mà vào.
Mình phải đề phòng.- Quang Bích nhấn mạnh, rồi xuống thuyền trở lại bản
doanh.
Con thuyền nhẹ lướt theo mái chèo của người nghĩa quân khỏe mạnh.
Quang Bích vừa ngắm phong cảnh hai bên ngòi, vừa nhớ lại chặng đường
qua. Cái đêm rút khỏi thành Hưng là đêm ông không thể quên. Đêm ấy
đáng lẽ ông chết cùng với ngôi thành bị mất. Nhưng tướng sĩ không muốn
ông chết; phải sống để đánh giặc, trả thù nước. Ra khỏi thành, luồn vào
rừng sâu, tướng sĩ đưa ông đi qua nhiều nơi: Tứ Mỹ - Tam Nông, Sơn Tịnh