Pháp đã có các đoàn truyền giáo vào đất này từ đầu thế kỷ 17. Giữa thế kỷ
ấy, đức cha Pala đã có thư gửi bộ Hải quân Pháp, xin cho tàu chiến đến
chiếm lấy lưu vực sông Nhị. Cuối thế kỷ ấy, một công ty Pháp đã cử người
tới đây xem xét. Việc của chúng ta làm bây giờ là tiếp tục và muộn màng.
Đuypi hào hứng tiếp:
- Việc mở con đường sông Nhị sẽ làm cho hơn năm mươi triệu người
miền Nam Trung Hoa và hàng chục triệu người Bắc Kỳ tiếp cận với văn
minh châu Âu. Nó sẽ khai phóng một thị trường vô biên để tiêu thụ hàng
của Pháp. Nó mở ra một sự thông thương tiện lợi và ít tốn kém, với những
vùng giàu có bậc nhất trên thế giới mà nay hãy còn đóng cửa.
Puyginhê muốn Đuypi quyết tâm hơn nữa, ông nói:
- Hàng chục vạn tín đồ của chúng tôi đang mong một sự biến đổi ở
đây, để họ thoát khỏi nạn kỳ thị tôn giáo. Họ sẵn sàng cộng tác với những
người đến giải thoát họ.
- Hay lắm! Đó là một đạo quân ngầm tại chỗ. Những con ngựa thành
Tờroa do cha tạo ra và điều khiển, chắc chắn sẽ góp phần lớn vào việc
chiếm Bắc Kỳ.
- Nhưng... hình như - Puyginhê nghi ngại - Chính phủ Pháp chưa nhất
trí trong việc này?
- Các vị Bộ trưởng ngồi bàn giấy không hiểu tình hình ở đây nên còn
dè dặt, vả lại họ đang bận những việc gay cấn ở nước Pháp. Ngay Bộ
trưởng Hải quân Pôtuyô cũng băn khoăn. Nhưng ông ta vẫn khuyến khích
tôi: tùy tình hình mà định liệu; lại có thư khuyên Thống đốc Nam Kỳ hỗ trợ
tôi. Và chính sự hỗ trợ của Nam Kỳ đã đưa tôi đến đây. Tôi đã gặp viên
Kinh lược sứ Bắc Kỳ, hạn cho ông ta trong hai tuần phải dàn xếp với triều
đình cho tôi mượn đường. Nhưng có thể... tôi không chờ đợi, tàu của tôi sẽ
ngược sông Nhị sớm hơn.