phải là mượn, mà chúng tôi muốn tự do đi lại trên sông Nhị. Các ông thấy
đấy, chúng tôi có tàu chiến, có quân lính và súng đạn mạnh. Không những
Thống đốc Nam Kỳ ủng hộ chúng tôi, mà cả các tướng Thanh nắm binh
quyền ở Vân Quý, Lưỡng Quảng cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chúng
tôi.
Người đại diện Kinh lược tỏ ra nhũn nhặn:
- Vâng, tôi đã rõ yêu cầu của ngài. Nhưng chưa có lệnh vua, chúng tôi
không thể tự ý...
Đuypi không nói gì thêm, ra về không chào chủ nhà.
Những ngày sau, Đuypi cho quân củng cố vị trí ở đồn Thủy, ven sông
Nhị. Cử người liên lạc với Giám mục Puyginhê nắm tin tức trong Hà Nội
và quanh vùng; mua giúp đồ tiếp tế; mộ người làm việc cho Đuypi. Nhằm
hạ uy thế quan cai trị địa phương, Đuypi cho lính xé tờ bố cáo của Tổng
đốc Hà Nội, rồi dán tờ thông báo của mình vào, che lọng đưa đi diễu các
phố phường.
Lấy cớ không mượn được thuyền qua lại trên sông, Đuypi đòi Tổng
đốc Hà Nội phải bồi thường 200.000 lạng bạc. Lại đòi thả mấy người Nam
do làm việc với Đuypi mà bị bắt. Ngạo ngược hơn, Đuypi bắt một viên
chức của dinh Tổng đốc làm con tin.
Là một nhà buôn lớn và thông thạo, Đuypi nhanh chóng cho người bắt
tay với một số thương gia người Nam và người Hoa ở Hà Nội, gom mua
hàng trăm kiện hàng tơ lụa đem đi bán ở Hồng Kông. Ông còn muốn chở
than và muối từ ven biển Bắc Kỳ sang bán ở Vân Nam.