đoạn cuối sông Gianh... Thế là một vòng vây đã hình thành nhằm vào nơi
vua ở.
Tin từ kinh đô ra, tướng Pháp đã cho Đồng Khánh lên ngôi. Vua Hàm
Nghi bị giáng xuống tước Công. Nguyễn Hữu Độ được Pháp tin dùng, cho
làm Thái sư đầu triều. Đồng Khánh ra tờ chỉ cách hết chức vụ, tịch thu gia
sản của Thuyết. Ông thân sinh ra Thuyết bị Pháp bắt giam ở Nam Kỳ.
Thuyết bảo hai con: "Nay ta chỉ còn một con đường Cần Vương chống
Pháp. Thế nước lúc này giống như hồi vua Lê Lợi bị quân Minh vây đánh,
"lương không đủ một tuần, quân không còn một lữ". Nhưng Lê Lợi kiên trì
đánh giặc mười năm, cuối cùng đã thắng. Lúc này cha con ta phải noi
gương tiền nhân, chớ thấy nguy nan mà nản chí!".
Tin ứng nghĩa từ các nơi về quá ít và chậm, nhưng cũng đem lại cho
Thuyết niềm hy vọng. Ngay tỉnh Quảng Bình này, Pháp chỉ mới chiếm
được tỉnh thành. Họ thúc Hữu Độ và Đồng Khánh bổ quan tới các phủ,
huyện. Nhưng quan vừa tới nhậm chức đã bị nghĩa quân đuổi, có người
phải bỏ chức việc. Ở Bố Trạch, viên Tri phủ được bổ nhiệm nhưng không
dám đến phủ đường, phải trọ nhờ đồn binh Pháp. Người của Tri phủ vào
làng bắt lính thu thuế, bị dân trừng trị. Đường từ đồn Quảng Khê tới đồn
Ròn có mười lăm cây số mà bị nghĩa quân khống chế, một lính trạm chạy
giấy phải có 20 lính chiến đi kèm...
Nghĩa quân do Lê Trực chỉ huy khống chế đồn Đồng Hới, không cho
Pháp liên lạc với những vùng phụ cận. Lính trinh sát ra khỏi đồn là bị bắt.
Có lúc nghĩa quân dùng thang trèo lên mặt thành bắn vào, khiến kẻ địch ăn
không ngon ngủ không yên. Tướng Pháp ở Huế phải cho quân ra giải vây
Đồng Hới.
Thuyết biết ở những tỉnh khác nghĩa quân đang lần lượt nổi dậy,
nhưng ở vùng núi hẻo lánh này, ông không liên lạc được với họ. Ông không
còn làm được việc của người cầm đầu bộ Binh đối với bao nhiêu đội quân
đang chống Pháp ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Cả một hệ thống bưu chính và phu