"Nếu dùng dằng không quyết, ngu muội không thấy trước, đến lúc đại
quân kéo tới, thì ngọc đá đều chảy, trẫm dẫu chí nhân cũng khó mà cứu hộ
cho các ngươi được".
Tờ dụ ban phát rộng, khiến những người đang hoang mang do dự có
dịp quay về chức vụ cũ. Nó cũng khiến những người thực tâm yêu nước
thấy rõ hơn lòng dạ ông vua do Pháp dựng lên, đã nói và làm những việc có
lợi cho Pháp.
Để cuộc Bắc tuần có đầu có cuối, Hữu Độ xin vua cho các quan làm lễ
nghênh giá hồi triều. Đồng Khánh phân vân: "Chuyến đi đầu voi, đuôi
chuột mà làm rùm beng, e thiên hạ dị nghị". Rồi ông lại nghĩ: "Không làm
thì e bị chê là đi không kèn, về không trống". Một lúc sau, ông bảo Độ:
"Khanh thấy cần làm thì làm". Độ biết vua mặc cảm trước một cuộc tuần
du, được gọi là "ngự giá thân chinh", bỗng phải rút ngắn, về vội. Đón rước
linh đình sẽ có cớ cho người ta chê bai, nhưng không làm gì thì quan quân
không có dịp để ăn tiệc, thưởng công, họ cũng trách móc. Độ nói với vua là
cần làm.
Hôm sau, các quan vào triều lạy mừng. Đồng Khánh nhận ra nghịch
cảnh: quan văn còn vài ba chục, quan võ chỉ còn dăm ba người. Hoàng
thân, tôn thất vắng những vị cao niên, nhiều uy vọng. Nhưng không thiếu
kẻ hãnh tiến, vào tiệc ăn uống khỏe và nhiều lý sự... Vua dè dặt nói: "Nay
trẫm hồi loan bình yên, các quan lạy mừng là làm theo lễ đấy. Nhưng từ
Quảng Trị ra Bắc, các tên tướng giặc chưa hết, chưa thể sớm yên".
Sau lễ, các quan được dự tiệc, quân lính tùy tùng được thưởng tiền.
Biết là không xứng nhưng cũng thích.