việc bán trâu, mua súng. Chuyện cấm kỵ không bó hẹp ở Đông Hưng, mà
lan rộng khắp vùng biên giới, vì có áp lực từ triều đình Bắc Kinh và theo
yêu sách từ Pari.
Hôm sau, Tiến sĩ Tống Duy Tân từ vùng biên giới Kim Bình - Mường
Tè về chỗ Thuyết, báo tin Hàm Nghi bị bắt. Hai người cúi đầu, nước mắt
rưng rưng. Năm trước khi các thủ lĩnh nghĩa quân ở Ba Đình, Mã Cao
(Thanh Hóa), người bị sát hại, người tự vẫn, còn lại Tống Duy Tân thế cô
lực kiệt. Ông được người của Thuyết đón sang Nam Ninh. Thuyết giao cho
ông ở vùng biên giới, liên lạc với nghĩa quân trong nước, đưa lâm sản sang
Tàu bán, rồi mua súng đạn, lương thực về. Từ đây hàng trăm khẩu súng và
nhiều đạn, chuyển dần về nước, rồi qua sông Mã vào Thanh, Nghệ. Ông nói
với Thuyết:
- Thưa thượng quan, trong nước có biến cố bất thường, vua bị bắt,
lòng người ly tán hoang mang. Cũng may là ở vùng Nghệ - Tĩnh, nghĩa
quân Phan Đình Phùng, Cao Thắng đã phục hồi. Tôi muốn nhân dịp này
được trở lại với nghĩa quân Thanh Hóa, hợp sức cùng Nghệ - Tĩnh củng cố
cuộc Cần Vương.
Tôn Thất Thuyết nhìn người thủ lĩnh nghĩa quân, vừa dò xét, vừa lắng
nghe tình hình tỉnh Thanh. Sau khi Trần Xuân Soạn rồi Tống Duy Tân lần
lượt ra biên giới, nghĩa quân còn lại ẩn náu chờ thời. Gặp lúc Cao Điền,
nguyên là Suất đội quân triều đình, đứng lên chống Pháp. Dân chúng nhanh
chóng theo Điền. Nay Tân về sẽ hợp lực cùng Điền hành động... Thuyết nói
với Tân:
- Những tháng qua, ông ở bên đây nhưng lòng ông hướng về nước,
làm việc cho nghĩa quân. Nay xứ Trung Kỳ, từ kinh đô trở vào đã bị Pháp
thống trị. Những ai có lòng ái quốc thì phải trốn lên rừng hoặc mai danh ẩn
tích. Chỉ còn một vùng từ kinh đô trở ra, nếu ta để Pháp thống trị nốt thì có
tội với cả đương thời và hậu thế. Vì vậy, ông về nước lúc này là rất đúng,