Tán Thuật ở biên giới lâu hơn, biết tình hình nhiều hơn Thuyết. Ông
nói:
- Những người Tàu lưu vong sang đất ta, thường là dân bất trị. Họ
không ưa sống theo luật pháp, thích sống bằng thực lực của mình. Họ can
đảm trong chiến đấu. Dùng họ đánh giặc thì được. Nhưng do họ không
được giáo huấn, nên thường phiền nhiễu dân. Toán quân Lưu Kỳ là thế.
Thuyết ngẫm nghĩ về điều Thuật nói. Ông biết mình đang dùng con
dao hai lưỡi. Những toán quân ô hợp, thường gọi là giặc cỏ ấy, đáng lẽ phải
coi là những kẻ cần tiễu trừ nhưng lúc này ông vẫn liên kết với họ. Thật là
việc bất đắc dĩ. Ông nói:
- Lúc này ta thiếu người đánh giặc. Ai đánh giặc thì ta kết liên. May ra
trong quá trình kết liên với ta, họ bớt những khuyết tật. Quân Cờ Đen dạo
nọ đi với ta đã trở thành tốt. - Thuyết nói nhỏ - Hiện nay tôi vẫn liên hệ với
Lưu Vĩnh Phúc. Ông ấy không còn giúp được mấy chút, nhưng vẫn có
nhiều thiện cảm với ta. Đôi ba lời ông ấy gợi ý có ích lúc này cũng rất cần.
Vì ta ở đất nước người, mọi việc đều lạ lẫm. Ông ta đã nhắn nhủ số quân
Cờ Đen còn lại ở nước ta: tùy nghi đánh Pháp, góp sức giữ đất để nương
thân.
Thuật vẫn phân vân:
- Được như quân Cờ Đen là tốt, nhưng hiếm. Tôi biết quân của Lưu
Kỳ có những lúc thiếu gạo đã cướp của dân ta để ăn. Đánh Pháp xong,
chúng giết trâu của dân để khao thưởng.
Thuyết thở dài. Đây là mắc mớ mà người làm tướng như ông lúc này
không gỡ được. Ông còn biết trong số những toán người Nam chống Pháp
mang danh nghĩa quân, nhưng khi họ thiếu gạo muối vẫn đánh lẫn nhau để
giành miếng ăn.