Quang Bích nói thêm:
- Hôm qua, Vĩnh Phúc từ Bảo Thắng về chỗ tôi. Phúc tức giận vì
Đuypi mượn danh tướng Mã, hai lần đưa tàu sang Vân Nam buôn bán
không nộp thuế, rồi trở ra trót lọt. Phúc bảo: "Nếu tàu Pháp lên nữa, Phúc
sẽ nổ đại bác!". Tôi nói: "Ta với họ đang có đàm phán, không nên nổ súng".
Phúc lắc đầu: "Người Pháp đem quân đến đây là để đánh thành, cướp đất.
Họ đàm phán thì cũng nhằm cái đích ấy, nếu không đạt thì họ lại đánh.
Thượng sách là: ta phải đánh họ để giữ đất, giữ thành".
Thuyết gật đầu:
- Vĩnh Phúc nói phải đấy. Từ khi Pháp đặt chân lên nước ta, họ đã hai
lần đánh rồi lại bàn hòa. Ta thì lần lượt mất miền Tây rồi miền Đông Nam
Kỳ. Bây giờ họ ra đây, chiếm năm tỉnh rồi bàn hòa. Chuyện vô lý không thể
chịu được.
Quang Bích nhắc lại điều mình đề xuất:
- Phúc thực tâm căm giận Pháp. Quân Phúc đánh giỏi. Lúc này vẫn
cần đánh giặc Khách, nhưng đánh Pháp cần hơn. Ngài bàn với Tiết chế
Viêm, điều đốc quân Phúc về kịp đánh trận này. Phải bàn định chu đáo,
đánh chắc thắng, để lấy lại sĩ khí quân uy. Vừa qua ta liên tục bại trận, mất
thành trì, khiến quân nhụt chí, dân nản lòng, thật là có tội.
Thuyết nhất trí với Quang Bích. Ông thảo ngay tờ lệnh, cử Tán tương
Nguyễn Thiện Thuật lên ngay Bảo Thắng, triệu Vĩnh Phúc về.
Tiếp đó, Thuyết nói về kế hoạch tác chiến của đạo quân do ông điều
đốc. Ông nói cả kế hoạch chung do quan Tiết chế đề ra cho vùng Bắc Ninh,
cho các tỉnh trung châu đã mất thành nhưng còn quân đóng giữ nhiều phủ,
huyện. Tất cả đều phải nhằm vào những nơi giặc chiếm đóng. Đánh đồn
ban đêm khi giặc sơ hở. Đánh phục khi giặc đi quấy nhiễu. Đánh chặn
không cho giặc lan tràn từ Hà Nội lên các vùng phía tây, phía bắc... dần dần