Đuypơrê tính toán kỹ rồi cử viên thanh tra chính trị Philát ra kinh đô
Huế để thương nghị. Philát biết tiếng Nam, hiểu phần nào tâm trạng vua Tự
Đức và các phái chủ chiến, chủ hòa, trung gian trong triều; lại có cách nghĩ
thâm trầm và hành động êm nhẹ. Ông không ngáo ngổ lấn át, mà muốn dần
dần lôi kéo vua quan nước Nam vào việc phục tùng ý định người Pháp. Trái
với Gácnhê, kẻ muốn đánh gấp, chiếm nhanh, giữ trọn...
Đuypơrê nói với Philát:
- Ông đem những viên quan Nam bị bắt ở Hà Nội đang bị ta giữ, ra trả
cho triều đình Huế. Coi đó là một thiện chí của chúng ta. Ông nói với họ là
Pháp sẵn sàng ký một hòa ước, nhằm tiếp tục giữ quan hệ đang có giữa hai
nước Pháp - Nam. Về phía chúng ta, điều không thể quên là phải tạo những
cơ sở pháp lý, để sau này mưu tính những điều khác lớn hơn. Cần phải dựa
vào cái thế mạnh toàn cục của chúng ta tại đây. Không nên mặc cảm về tình
hình nước Pháp đang nhiều khó khăn và cái chết bi thảm của Gácnhê. Song
cũng phải linh hoạt, để cuộc hòa đàm diễn biến theo ý muốn sâu xa của
chúng ta.
Philát biết mình phải đi chữa một đám cháy do Đuypơrê và Gácnhê
đốt. Nhưng trách nhiệm của ông là phải thi hành lệnh quan trên. Ông đem
theo những viên quan bị Gácnhê bắt vào Gia Định: Khâm phái Phan Đình
Bình, Bố chính Võ Đường, Đề đốc Đặng Tiêu....
Rời Gia Định đến Huế, Philát hội kiến sơ bộ với người đại diện triều
đình; trao trả mấy viên quan Nam. Rồi cùng Nguyễn Văn Tường, sứ thần
nước Nam, xuống tàu ra Bắc Kỳ, giải quyết tiếp việc ở Hà Nội.