già, tơ sắp cạn. Những người trẻ bên ông còn Trần Hữu Công, con trai vị
thầy học của ông. Công là một trong ba học sinh được ông đích thân dẫn
sang Nhật, nay thành hội viên trung thực, nhưng có mưu không dũng.
Cùng ở với Bội Châu còn có Hồ Hinh Sơn, Lý Trọng Bá, Nguyễn
Huyền, cùng mấy chú học trò, con mấy đồng chí đã hy sinh. Hội viên
Quang Phục vẫn còn rải rác ở mấy tỉnh nước Tàu giáp Việt Nam. Một số
còn liên lạc với nhau, chờ thời. Một số kiếm việc làm sinh sống, không liên
lạc với Hội nhưng không gây hại.
Nguyễn Thượng Hiền lúc này cũng đã ngoài năm mươi tuổi, vẫn ở
Hàng Châu. Ông quy ẩn tại một ngôi chùa cùng với mấy nhà nghiên cứu
Phật học địa phương. Đôi khi Bội Châu đến thăm, ông hỏi về thời thế mà ít
bàn hành động.
Bội Châu vẫn bí mật cho mấy anh em đi thăm dò tình hình hội viên,
chọn những người kiên trung để giữ mối liên hệ, nuôi dưỡng tinh thần.
Không chỉ trích những người nhụt chí, mà để cho họ yên tâm làm ăn lương
thiện, có dịp lại gọi họ về... Bội Châu viết văn làm báo, có cơm ăn việc
làm, nuôi nhóm anh em cùng sống. Đôi khi dành dụm được món tiền, ông
đến Bắc Kinh, sang Nhật Bản, tìm gặp những anh em còn chí hướng hoặc
quen biết, luôn thể nghe ngóng thời sự, để hiểu những biến thiên bất định.
Nhật tiếp tục đánh chiếm từng phần nước Tàu. Tàu thì Viên Thế Khải
muốn làm hoàng đế, bị Nhật lấn át, phải chiều chuộng chúng. Đế chế lập lại
ở Tàu được hơn ba tháng rồi bị đánh đổ luôn. Mấy phái quân phiệt giành
giật với nhau, gây nội chiến giữa Nam và Bắc... Ông Tôn Văn lãnh đạo
Quốc Dân Đảng tại Quảng Châu, lập riêng Chính phủ, chống lại các phái
kia. Nhật còn bắt tay với Pháp chặt hơn, có hại thêm cho Việt Nam. Xiêm
cũng phải bắt tay với Pháp, bắt người Việt Nam ở Xiêm cho Pháp... Tình
hình đen tối mịt mù, khiến Bội Châu như không còn tìm được đường ra.
Tru.yện được dịch .trực tiếp tại .iREA.D