Bội Châu đáp:
- Ta đang nghiên cứu về Đảng Cộng sản Nga. Có một cuốn sách người
Nhật viết về Chính phủ Lao - Nông của Nga. Sách viết công bằng, không
thiên vị nên muốn đọc. Ta dịch ra chữ Hán, đem đến Bắc Kinh, có ý dùng
sách mà tự giới thiệu mình. Đến đấy ta gặp ông Thái Nguyên Bồi, hiệu
trưởng trường đại học Bắc Kinh. Ông vui vẻ giới thiệu ta với một người
Nga tên là Lạp, Tham tán Sứ quán Nga ở Tàu. Ta hỏi ông Lạp: - Người
nước tôi muốn du học bên quý quốc, ông chỉ bảo cách thức thế nào? Ông
Lạp đáp: "Chính phủ chúng tôi rất hoan nghênh. Nếu người Việt Nam du
học thì càng thuận lợi... Trước hết, học sinh đến Bắc Kinh, Sứ quán Nga ở
đấy cấp giấy giới thiệu đến Thủ đô Nga. Tiền tàu xe, ăn uống do chúng tôi
giúp đỡ; trong khi học và học xong về nước cũng thế". Ngừng một lát Châu
tiếp: - Điều đáng nhớ là người Nga luôn tỏ thái độ hòa nhã, thành thực.
Ông Lạp còn nói: "Chúng tôi được gặp người Việt ở đây là ông. Ông có thể
viết một cuốn sách bằng chữ Anh, nói hết sự thật của người Pháp ở Việt
Nam như thế nào để tặng tôi, thì tôi cảm tạ ông, không bao giờ quên".
Nhưng đáng tiếc là ta không biết Anh văn, không đáp ứng được.
Nói xong Bội Châu ngẫm ngợi. Ông nghĩ về cuộc cách mạng của Nga,
rồi nghĩ về việc nước mình. Ông nói với Hữu Công: - Người ta đảo hải di
sơn được, sao mình lại không?