Dẫu vậy, khi anh em đi đó đây nghe ngóng tình hình kể lại, Châu nảy
những tia hi vọng mới. Có một số thanh niên quốc nội trên dưới tuổi hai
mươi, lén lút sang Quảng Đông. Hỏi nhỏ thì biết họ sang đây là do Bội
Châu còn ở đây; là do đất Tàu vẫn có chỗ đứng chân cho những người Việt
Nam chống Pháp. Châu ngẫm nghĩ về hiện tượng ấy. Ông nói với Hữu
Công:
- Vậy là không ai có thể tát cạn bể Đông. Bọn Pháp không thể bắt giết
hoặc ngăn cản hết những người Việt yêu nuớc. Nhưng người chống Pháp
lớp Cần Vương qua đi, có lớp Duy Tân thay thế. Lớp Duy Tân chưa qua có
lớp Quang Phục kế thừa ngay. Nay lại đang có lớp người rất trẻ đứng lên.
Như tre già măng mọc, như lớp sóng trước chưa chìm xuống, lớp sóng sau
đã dềnh lên, bất tận, vô cùng!
Nghe Bội Châu luận về sự sinh sôi kế tiếp, Hữu Công phấn hứng, liên
hệ với tình hình châu Âu và nói:
- Thế giới cũng luôn luôn biến chuyển, có lúc xấu đi, có lúc tốt lên,
hoặc tốt xấu đan xen. Mới năm nào Nga bị Nhật đánh thua, nay Nga có lực
lượng mới nổi lên làm cách mạng thành công vang dội.
Bội Châu cho là phải, và nói như tự phê:
- Lúc đầu thoáng nghe, ta chưa chú ý lắm đến cuộc cách mạng ấy. Dần
dần mới thấy nó lật đổ Nga hoàng, lập chính quyền Lao - Nông. Một hiện
tượng tân kỳ, nhiều người chưa kịp nhận diện chứ không riêng ta. Dần dần
ta còn thấy người Nga nói những điều dễ hiểu, đồng tình. Họ tuyên bố hủy
bỏ các điều ước bất bình đẳng mà Nga hoàng đã ký bất lợi cho Tàu. Việc ấy
khiến cách mạng Trung Hoa được ủng hộ từ bên ngoài, giảm thiểu khó
khăn trong nước.
Hữu Công hỏi:
- Thầy xem cách mạng Nga liệu có ảnh hưởng tốt cho ta không?