CẦN VƯƠNG, ĐÔNG DU
Bút Ngữ
www.dtv-ebook.com
Chương 99
Tin Phan Bội Châu bị bắt đồn đại khá rộng. Thơ ông viết trong ngục
Hỏa Lò đưa ra, tới tay các bạn cũ: Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Dương Bá
Trạc... Các bạn truyền rộng ra, kèm những lời bình luận về thân thế và hành
động của ông. Người ta hiểu biết thêm và càng khâm phục ông, coi ông là
người yêu nước thương nòi, quên mình vì đại nghĩa. Có truyền đơn hô hào
bảo vệ ông, ký là "Hội Phục Việt", rải hoặc dán ở nhiều nơi trong Hà Nội
và các tỉnh, gửi qua bưu điện đến các nhân viên công chức Pháp, Nam...
Không thể giấu giếm một con người mà dư luận cả nước quan tâm,
nhà cầm quyền Pháp dùng pháp luật để trừng phạt. Hội đồng Đề hình tập
hợp tài liệu, xác định tội trạng, đưa Châu ra xét xử. Để tỏ vẻ có dân chủ, họ
tuyên bố xử công khai vụ án Phan Bội Châu vào ngày 23-11-1925, có trạng
sư bào chữa.
Tại tòa án Hà Nội, ngay từ bảy giờ sáng, các giới nhân dân đã tụ tập
đông, có cả một số học sinh bỏ trường ra xem phiên tòa. Ngồi trên cao là
viên Chánh án Bờriđờ, kẻ đã kết án nhiều người Việt Nam yêu nước.
Một viên quan tòa áo đen, kính trắng, gọng vàng, mặt vênh, ria vểnh,
dõng dạc đọc bản cáo trạng, liệt kê tội Phan Bội Châu:
- Một là thủ mưu và cung cấp hung khí - tức quả bom, cho Phạm Văn
Tráng giết quan Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình.
- Hai là cũng với cách như trên cho Nguyễn Khắc Cần, giết hai ông
quan tư Pháp là Mônggơrăng và Sapuy ở khách sạn Hà Nội.