- Ba là xúi giục dân chúng Bắc Kỳ, Trung Kỳ làm loạn.
- Bốn là thủ mưu những vụ bạo động, để quấy rối trong nước về an
ninh và chính trị.
- Năm là lập các hội đảng với mục đích làm hại sinh mạng và tài sản
tư nhân...
- Vì mắc các tội trên, năm 1913, Phan Bội Châu đã bị tòa kết án tử
hình vắng mặt.
Sau khi quan tòa dùng hết quyền hạn, nói đủ những điều họ cần nói,
Phan Bội Châu mới được phép nói. Ông đứng trước vành móng ngựa, đầu
ngẩng cao, đôi mắt nhìn thẳng; bộ râu đen không khiến ông già hơn, mà
khiến gương mặt thêm quắc thước. Giọng xứ Nghệ nặng và vang, ông hùng
hồn tự bào chữa. Ông nhận là mình phản đối nhà cầm quyền Pháp ở Việt
Nam; nhưng phản đối bằng chính trị chứ không chủ trương giết người. Ông
nói như đúc từng chữ, từng lời:
- Nếu tôi có mười vạn thủy quân, mười vạn lục quân; binh tinh, lương
túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến, tàu bay có, thì tôi sẽ hạ chiến thư, đường
đường chính chính tuyên chiến với Chính phủ Pháp thật đấy. Nhưng tôi là
kẻ thư sinh, túi không một đồng tiền, tay không một tấc sắt, không lấy võ
lực mà phản đối được. Vậy nên tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư lập
ngôn (viết sách làm văn) để cổ động nhân dân, yêu cầu Chính phủ cải
lương chính trị. Vì ở trong nước Chính phủ lùng bắt, tôi phải trốn ra ngoại
quốc để hành động cho đạt mục đích của tôi...
Rồi ông nghiêm giọng kết luận:
- Nếu tôi là người có tội thì chỉ có bốn tội như sau:
Một là, Chính phủ Pháp sang bảo hộ nước Nam mà tôi lại muốn cho
nước Nam độc lập,