thập, thập nhi bách, hằng hà sa số... Bởi nó mang chất cách mạng. Thậm
chí biến không thành có... Xô viết Nghệ - Tĩnh lúc này chỉ chết một phần
nổi, còn phần chìm rộng lớn gấp bội vẫn sống. Đó là nhân dân, nó nằm
trong nhân dân. Rồi đây rất nhiều người còn sống sẽ căm uất kẻ địch, sẽ
phục thù cho những người đã chết. Cái sức mạnh ấy mới thực là vĩ đại... Kẻ
địch đừng hí hửng là đã ném bom chết hai trăm người và bắn giết hàng
trăm người khác nữa. Chính tội ác của chúng sẽ đổ lên đầu chúng. Ác giả
ác báo... Vì vậy, Xô viết Nghệ - Tĩnh chẳng những chỉ có danh mà còn có
thực. Nó không như Duy Tân, Quang Phục... anh em chỉ mới biết lo tìm
một số vũ khí, gắng làm mấy cuộc bạo động. Khi không thành thì mất cả
mọi thứ, không hồi phục được, vì không có cái phần ngầm to lớn vững chắc
là nhân dân. Còn Xô viết Nghệ - Tĩnh thì cái phần ngầm ấy là vô cùng vô
tận. Ở Nga, Cách mạng tháng Mười thành công là nhờ cái phần ngầm này,
cái phần mà họ gọi là Lao - Nông.
Cụ Phan nói hùng hồn như hồi nào tranh luận với cụ Chu Trinh, khiến
cụ Huỳnh nghe thuận nhĩ, luôn luôn gật đầu.
Ở ngoài vườn, ông Hành vừa tưới nước cho cây vừa canh chừng phía
ngõ, xem có tên kính đen nào nghe ngóng. Thấy cụ Phan sôi nổi, ông ngó
vào xem cũng là để nhắc cụ nói nhỏ thôi.
Ông Hành nhắc cụ Phan, khiến cụ Huỳnh nhớ là mình cần về. Cụ lấy
hộp trà Mạn Hảo ra biếu người cộng tác với tòa báo của cụ. Hai cụ cùng
bước sóng đôi ra sân, ra ngõ, vừa đi vừa trò chuyện. Thấy tên mật thám lùi
xa, cụ Phan nói: - Bọn nó vẫn rình mò ở đây. Rình mò cả ở bên Tàu bên
Nhật; khiến ông Cường Để phải bỏ Hội, Đảng, ở nhờ nhà một người quen.