- Khởi bẩm. Không thể. Chúng ta không rút binh về. Có câu “không có
bằng hữu mãi mãi, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu”. Bang giao giữa họ bởi vì lý
do nào khác ngoài lợi ích. Trước, chúng ta nên phái ra một người thủ vững
biên giới trên biển. Sau, ta lại phái một người có tài hùng biện đến nói
chuyện với người Anh Cát Lợi. Chúng ta sẽ cho họ biết Đại Thanh vốn là
nước lớn, hợp tác với ta đương nhiên có nhiều lợi ích hơn là đám An Nam
kia. Thần tin là họ biết cân nhắc nặng nhẹ mà quay đầu mũi giáo, cùng ta
tấn công An Nam.
- Thần đồng ý với Thừa tướng – Binh bộ Thượng thư Khánh Quế nói. –
Chúng ta không thể tha đám An Nam kia được.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Gia Khánh lại hỏi:
- Vậy theo các khanh, Trẫm sẽ phái ai đi làm hai việc này?
- Thần đề cử Thuỷ sư Đô đốc Quảng Đông Hoắc Nhĩ Thái đảm nhiệm
việc phòng thủ. Còn thuyết khách, thứ lỗi thần ngu muội, chưa nghĩ ra
người thích hợp – Khánh Quế đáp.
- Thần đề cử Thập nhất Bối lặc Hạo Mân làm thuyết khách, trợ tá là Đại
học sĩ Lưu Dong – Chu Khuê nói.
- Hoắc Nhĩ Thái thì Trẫm tin tưởng, còn Hạo Mân, Trẫm e nó không thể
làm thuyết khách được.
- Hoàng thượng chớ lo – Chu Khuê lại nói. – Bối Lặc là người văn võ
song toàn, lại có thầy dạy là Lưu Đại học sĩ đi cùng thì tỷ lệ thành công là
rất lớn.
Vẻ mặt Gia Khánh lúc này cũng dãn ra đôi chút. Về mặt Thập nhất Bối
lặc Hạo Mân con mình, ông ta quả là không thật yên tâm khi y vẫn còn quá
trẻ. Song, có Lưu Đại học sĩ đi cùng thì mọi việc có thể sẽ thuận lợi hơn.
Cuối cùng ông ta cũng đồng ý với hai vị đại thần.