Đoạn thư trên ngay ngày hôm sau được đăng tải khắp các mặt báo.
Không ai bảo ai, cũng không vì lệnh của chính phủ mà mỗi người đều chít
lên đầu chiếc khăn tang màu trắng. Vị vua luôn yêu thương và lo lắng cho
họ đã ra đi. Người ấy còn lo cho họ mãi cho đến giây phút cuối đời và còn
hứa hẹn dõi theo họ từ trên Thiên đường xa thẳm.
Quốc tang được kéo dài suốt một tháng. Mộ của anh được đặt ở Hoài
Ân, Bình Định, bên cạnh mộ của Cố Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh bởi trong
di thư, Toản có yêu cầu. Thư rằng “Hãy cho trẫm được nằm bên cạnh người
anh em, người bạn và cũng là đối thủ đáng kính trọng mà trẫm chưa một
lần gặp mặt, Anh Duệ Đông cung Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh”.
Một bức tượng lớn của Toản cũng được dựng lên ở trước lăng mộ anh
cùng dòng chữ: “Nơi đây là chốn an nghỉ của vị Hoàng đế vĩ đại nhất trong
lịch sử, người đã đánh thức con rồng đất Việt nghìn năm say ngủ. Con dân
nước Việt muôn đời sau hãy nhớ lấy: danh hiệu của người là Cảnh Thịnh
Đại Hoàng Đế, David I của Việt Nam, Nguyễn Quang Toản”.
Vị vua trẻ anh minh, tài giỏi lại yêu dân Nguyễn Quang Toản đã không
còn ở thế gian. Nhưng bức tượng của anh vẫn đứng đó sừng sững qua năm
tháng với ánh mắt nhìn xa xăm, nụ cười hiền lành cùng đôi tay dang rộng
như muốn ôm tất thảy những người con đất Việt vào lòng.
Hết