Thấm thoát mà đã năm năm trôi qua. Việt Nam ngày nay đã mang trên
mình một diện mạo mới. Hai vùng đất mới nhanh chóng hoà mình vào
không khí xây dựng sôi nổi trên cả nước. Đất nước lúc này mới thực sự có
hình dáng của chữ S trọn vẹn. Với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam,
Toản cũng cho phân bố lại bản đồ ngành nghề. Vùng phía Bắc bao gồm hai
hành tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây có địa hình đồi núi, khoáng sản dồi
dào cùng nhiều vạt rừng nguyên sinh nên ưu tiên cho công nghiệp khai
khoáng và luyện kim. Chính những vạt rừng nguyên sinh vô tình trở thành
lá phổi tự nhiên cho cả vùng. Đương nhiên, chính sách bảo tồn rừng được
Toản cho thi hành nghiêm ngặt.
Vùng đất từ đồng bằng sông Hồng kéo dài đến Bình Định trở thành
miền Trung với Phú Xuân vô tình chiếm giữ vị trí của Thăng Long xưa,
nằm ngay chính giữa đất nước. Người dân ở đây vốn lãng mạn và khéo léo,
vô cùng phù hợp với ngành công nghiệp chế tạo cùng mỹ thuật. Những sản
phẩm họ làm ra đạt đến trình độ tinh xảo vô cùng.
Phần còn lại, đương nhiên ai cũng hiểu. Đó chính là vựa lúa của cả nước
bởi thổ nhưỡng màu mỡ với đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Thêm nữa,
nếu hiểu theo cách nói dân dã, thì đây là nơi “cấp vốn” cho cả nước bởi
trình độ phát triển của ngành thương nghiệp đạt mức cao nhất với đầu tàu
Sài Gòn.
Lại có hai thành phố cực lớn và giàu có được khai sinh, Quảng Châu và
Nam Ninh. Như vậy, mỗi miền lúc này đều có hai trung tâm lớn, điều hành
hoạt động của cả vùng. Miền Bắc đã biết, miền Trung chính là Cố đô
Thăng Long và Kinh thành Huế vốn được Toản cho mở rộng Phú Xuân về
phía thị trấn Huế. Miền Nam là Sài Gòn và thành phố mới Cần Thơ. Cũng
phải nói thêm về hai thành phố phía nam, một là thủ phủ thương nghiệp,
một là thủ phủ nông nghiệp. Lại nói đến Tây Nguyên nay thuộc miền Trung
lại được dành hẳn cho ngành dệt may và các loài cây công nghiệp.