trong việc cải tiến này chính là Định Quốc. Trước tiên, người ta lắp những
tấm thép dày mười xen ti mét bên ngoài vỏ gỗ rồi tháo lớp vỏ gỗ ra. Sau đó,
họ lại đặt những thanh thép khác dày hơn bên cạnh các thanh gỗ rường bên
trong làm khung sườn mới rồi gỡ khung cũ đi. Vậy là vỏ tàu đã xong. Việc
tiếp theo là gỡ cột buồm và thay vào đó là động cơ hơi nước với bánh lái
cùng chân vịt. Tuỳ vào mỗi loại tàu mà nó có số lượng động cơ khác nhau.
Trong đó, Định Quốc lớn nhất với ba động cơ, ba ống khói và ba chân vịt.
Tốc độ tàu nhờ thế mà càng cao hơn, đạt tới ba mươi hai knots, tức gần bảy
mươi kí lô mét một giờ.
Cùng với sự xuất hiện của những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước,
khoảng cách giữa Việt Nam và những đồng minh của mình ở tận Âu Châu
dường như ngắn lại rất nhiều. Tốc độ trung bình của chúng vào khoảng
năm mươi đến sáu mươi kí lô mét một giờ. Bởi thế, nếu ngày trước phải
mất ít nhất là tám tháng cho hành trình Việt Nam – Anh Cát Lợi thì nay chỉ
là một tháng rưỡi nếu trời yên biển lặng và tối đa là ba tháng nếu gặp phải
những sự cố giữa đường như bão biển hay cướp biển. Nhờ thế, việc giao
thương trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Còn nữa, cũng nhờ nó mà những du
học sinh và các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sáng chế của cả hai nước
có thể giao lưu, trao đổi với nhau nhiều hơn. Bởi vậy, trình độ khoa học kỹ
thuật cùng kim ngạch buôn bán của Việt Nam và nước bạn đạt mức cao
chưa từng có.
Nếu như tất cả các mặt của đời sống đều được nâng cao thì sức mạnh
quân đội cũng phải tịnh tiến theo. Cả nước lúc này có cả thảy sáu quân
đoàn đóng ở ba miền, hai quân đoàn cơ động cùng một quân đoàn biên
phòng trải đều ở biên giới trên bộ. Hải quân thì nhờ sự xuất hiện của tàu
thủy mà nhân lực trên mỗi con tàu cũng được giảm đi đáng kể. Vì vậy, hạm
đội thứ năm đã xuất hiện. Ngoài ra, Toản cũng gợi ý cho Bộ Quốc phòng
thành lập thêm ba sư đoàn mới với tên gọi “Lính thủy đánh bộ”. Đây chính
là quả đấm thép, lực lượng viễn chinh trên biển và sẵn sàng trợ giúp các
đồng minh của mình nếu cần.