CẬU BÉ ĐÁNH GIẶC CỜ ĐEN
G
iữa một khu rừng thẳm, ngày nọ bỗng có vết chân người lần tới. Vẻ
hoang vu từ đấy đỡ phần ghê rợn, sớm chiều những đụn khói trắng vẩn lên
làm bớt cái lạnh của rừng già và khí đá nghìn năm u uất.
Tiếng lão sơn nhân hú quái gở như tiếng ma quỷ; bóng lão chạy vun vút
trên sườn non, khe suối, leo trèo như con hầu, con sóc ở các ngọn cây, vách
đá cheo leo. Sau chân lão, một đứa trẻ chừng mười hai tuổi, mắt sáng, da
đen bóng, chân tay cứng cáp, vác dao bám theo bố. Lũ ác thú thoạt đầu còn
hầm hè toan hại cha con lão, nhưng rồi vật với người cũng quen hơi, coi
nhau như bạn. Với hai cha con thì lá cây là màn, cỏ hoa là chiếu. Ngày
ngày, bố vác nỏ săn chim, đẵn củi, con thì nhởn nhơ đùa với bày hươu nai
ngoan ngoãn, với đàn hổ báo xinh xinh đang bú mẹ. Tiếng hú của lão hoạ
hoằn mới cất lên chỉ để báo hiệu cho con biết rằng vừa có một vài con thú
lạ ở rừng xa mới lạc về. Hai cha con lập tức ra sức chinh phục ngay bầy thú
dữ kia. Một là chúng chết để lại thịt da cho lão, hai là bị tống ra khỏi vùng
sơn lâm mà hiện cha con lão đang làm chúa.
Đứa trẻ tên là Quải. Mẹ nó chết vì bị một con giải nuốt khi đang tắm bên
bờ vực. Hôm ấy lão đã lao ngay xuống vực nước sâu đánh nhau với con
giải, trả thù cho người vợ. Cuối cùng, làn nước đỏ ngòm lên vì máu của con
giải sống đã thành tinh và cả máu của ông lão gan dạ.
Xác con giải nổi lềnh bềnh, mấy chục cái vòi nhầy nhụa rớt rãi độc trôi
dập dềnh trên mặt nước. Lão chỉ đủ sức lội được lên bờ thì gục xuống dưới
chân thằng Quải ngày ấy mới chập chững, nó bò đến ôm lấy bố. Người cha
hồi lâu tỉnh dậy, cúi rửa con dao máu, rồi cõng con về. Lão ốm hơn ba
tháng vì nước độc và rớt độc ngấm vào những vết thương. Trong suốt ba