nỗi căm ghét thị trấn này của Thầy Trừ Tà đã trở thành một điều thực sự khó
chịu. Thay vì đi qua cây cầu tại Priestown, chúng tôi phải đi vào đất liền
hàng dặm dài đến cây cầu tiếp theo để tránh xa thị trấn ấy.
“Tại sao vậy ạ?” tôi hỏi, giọng tôi chỉ hơn tiếng thì thào chút xíu, lòng tự
hỏi liệu những gì mình nói có làm thầy nổi cáu hay không. “Con nghĩ có lẽ
chúng ta sẽ đi đến Horshaw chứ ạ, để dự tang lễ ấy.”
“Chúng ta sẽ đến dự tang lễ đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà đáp, giọng thầy
thật bình tĩnh và kiên nhẫn. “Ông anh trai ngớ ngẩn của ta chỉ làm việc tại
Horshaw thôi, nhưng ông ta là cha xứ: nếu một cha xứ trong Hạt mất đi,
người ta sẽ đem xác ông ta về lại Priestown để tổ chức tang lễ trong thánh
đường ở đấy rồi mới cho hài cốt ông ta an nghỉ trong sân nhà thờ.
“Vậy là chúng ta sẽ đến đó để bày tỏ nghĩa tử. Nhưng đấy không phải là
lý do duy nhất. Ta còn có chút chuyện dang dở ở cái thị trấn đáng nguyền
rủa đó. Lấy sổ ghi chép của con ra nào, anh bạn. Lật sang trang trống mà
viết tiêu đề này vào nào...”
Tôi còn chưa ăn xong món thịt hầm của mình nhưng tôi vẫn làm ngay
theo lời thầy. Khi thầy bảo “chút chuyện dang dở”, tôi hiểu ngay đấy là công
việc của người trừ tà, nên tôi lấy lọ mực từ túi ra đặt xuống bàn, ngay cạnh
đĩa thức ăn của mình.
Nhiều chuyện nảy ra trong đầu tôi. “Thầy muốn nói đến ông kẹ xé xác mà
con đã chèn ấy ạ? Thầy nghĩ là nó trốn thoát rồi sao? Lúc ấy không có đủ
thời gian để đào cho được hai mét bảy. Thầy nghĩ là nó trốn sang Priestown
ạ?”
“Không phải đâu anh bạn, con làm rất tốt. Ở nơi đấy còn có thứ xấu xa
hơn thế nhiều. Thị trấn ấy bị nguyền rủa! Bị nguyền rủa bởi thứ mà lần cuối
cùng ta đối mặt với nó là hai mươi năm trước. Khi đấy hắn mạnh hơn ta và
làm ta phải nằm liệt giường trong sáu tháng. Thật ra là ta sém mất mạng ấy
chứ. Kể từ đấy ta chưa khi nào quay lại Priestown, nhưng vì chúng ta cần
phải đến nơi ấy nên ta xử lý chút chuyện dang dở luôn cho rồi. Không, đâu
phải chỉ đơn thuần là loại kẹ xé xác nào đó đang hoành hành tại thị trấn ấy.