nhà, và vào buổi sáng của ngày lễ, người ta sẽ đốt tượng trưng chiếc
bánh mì có men cuối cùng trong nhà. Bánh không men (matzo) sẽ
được dùng thay cho bánh mì.
Shavuot (Lễ Tuần)
Năm mươi ngày sau Lễ Passover, tức là vào ngày 6 tháng Sivan
(tháng thứ ba theo lịch Do Thái), là Lễ Shavuot, hay là Lễ Tuần.
Trong Tân ước, ngày lễ này còn có tên gọi là Lễ Hiện xuống.
Shavuot lúc đầu là lễ mừng thu hoạch lúa mì và hoa quả (vì thế còn
được gọi là “Lễ Thu hoạch” hay “Lễ hoa quả đầu mùa”), nhưng về
sau được liên hệ với sự kiện Xuất hành – khi Moses nhận 10 Điều
Răn từ Thiên Chúa trên núi Sinai. Như đã đề cập trong phần trên,
Lễ Passover kỉ niệm dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai
Cập; sau đó bảy tuần, trong ngày Lễ Shavuot, họ được Thiên Chúa
trao tặng Torah và trở thành một dân tộc cam kết phục vụ Thiên
Chúa. Từ ‘Shavuot’ có nghĩa là ‘tuần’, và lễ hội Shavuot đánh dấu
sự kết thúc của giai đoạn bảy tuần giữa Lễ Passover và Shavuot.
Trong ngày Shavuot, người Do Thái tổ chức học Torah suốt đêm,
ăn thực phẩm làm từ sữa (bánh pho mát và bánh crêpe mỏng được
đặc biệt yêu thích), đọc Sách của Ruth, trang trí nhà cửa và đền thờ
bằng màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trưng cho sự
thanh khiết.
Sukkot (Lễ Lều Tạm)
Lễ Sukkot (Lễ Lều Tạm) tưởng nhớ quãng thời gian 40 năm mà
người Do Thái phải sống lang bạt trong các lều tạm (sukkot) trong
sa mạc trên đường trở về Đất Hứa. Đầu tiên đây là lễ mừng thu