Tại lục địa châu Mỹ, năm 1502, trong chuyến thăm đầu tiên tới
Tân Thế giới, Columbus đã để lại 52 gia đình gốc Do Thái tại Costa
Rica. Năm 1640, người Do Thái đã có mặt và sinh sống yên ổn dọc
bờ biển Brazil còn đang dưới quyền Hà Lan. Thành phố Bahia của
Brazil thậm chí còn được gọi với biệt danh là The Rock of Israel
(Tảng Đá của Israel). Sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục Brazil
năm 1654, cư dân Do Thái ở đây bỏ chạy đến vùng Surinam và
Cayenne gần đó và tới Caribbean. 23 người Do Thái Sephardi của
Brazil chạy tới thành phố tên là New Amsterdam lúc đó còn đang
dưới quyền của Hà Lan. Ở đó họ thành lập She’arit Israel (Remnant
of Israel – Dấu vết của Israel) là hội đoàn Do Thái đầu tiên ở Bắc
Mỹ. Thành phố New Amsterdam về sau đổi tên thành New York
năm 1665 và nhượng lại cho Anh quốc vào năm 1674. Khi người Anh
ở
Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1776, cộng
đồng Do Thái ở Bắc Mỹ có khoảng 2.000 người. Một thế kỷ sau
đó, trong giai đoạn giữa 1880-1920, bị tàn sát và trục xuất khỏi
những thành phố lớn, hơn hai triệu người Do Thái đã trốn khỏi
Nga, chủ yếu là sang Mỹ. Tính tổng cộng có ba làn sóng người Do
Thái di cư sang Mỹ: làn sóng thứ nhất là người Do Thái Sephardi từ
Brazil và Hà Lan; làn sóng thứ hai là những người Do Thái có học
hành từ Đức; và làn sóng thứ ba, lớn nhất, là người Do Thái Đông
Âu nói tiếng Yiddish, chạy trốn các cuộc tàn sát 1881 của Nga.
Ngày nay, nước Mỹ là ngôi nhà của bảy triệu dân Do Thái, một cộng
đồng Do Thái lớn nhất thế giới.
Cũng từ thế kỷ 15, việc phát minh công nghệ in ấn giúp truyền
bá kiến thức dễ dàng hơn. Một sự kiện ấn tượng là Daniel
Bomberg, một Kitô hữu từ Bỉ, đã in toàn bộ Talmud trong khoảng từ
1520-1523 tại Venice và đặt tiêu chuẩn đánh số trang cho Talmud
cho mọi thời gian. Tiến bộ kỹ thuật in ấn đã giúp kiến thức Do
Thái được truyền lan giống như một ngọn lửa lớn trên thảo nguyên.