xuất của Do Thái cũng đã để lại những đóng góp đáng kể cho văn
minh nhân loại, từ Moses và Jesus đến Maimonides và Albert
Einstein…
Từ khi Nhà nước Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, mọi đánh
giá lịch sử về Israel thường đặt trọng tâm xoay quanh các cuộc
chiến nảy lửa, các xung đột Ảrập – Israel không bao giờ có hồi kết
và các cuộc đàm phán ngoại giao bế tắc. Việc đặt trọng tâm vào đó
rất dễ gây hiểu lầm. Israel đã trải qua một lịch sử đầy thăng
trầm, trải qua nhiều cuộc chiến; Israel cũng luôn là mục tiêu của
các cuộc tấn công khủng bố nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào
khác. Tuy nhiên, các xung đột và thương lượng, mặc dù xuất hiện với
tần suất rất cao trên các kênh truyền thông hằng ngày song vẫn
chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Cuốn sách này Câu chuyện
Do Thái 2: Văn hóa, truyền thống và con người cùng với cuốn
Câu chuyện Do Thái: lịch sử thăng trầm của một dân tộc phát hành
trước đây (2015) cho chúng ta thấy một bức tranh quan trọng hơn
và bao quát hơn: thực tế của đất nước này và con người của nó là gì.
Có thể nhận thấy rằng, trong suốt chiều dài mấy nghìn năm
lịch sử, văn hóa Do Thái đã không ngừng thay đổi và phát triển đa
dạng với muôn màu sắc, mặc dù không ngừng bị tấn công và phỉ
báng. Câu chuyện Do Thái, từ mọi góc độ lịch sử, nhân chủng và văn
hóa, có thể nói là hấp dẫn và đầy dụ hoặc, cũng thật rối rắm, như
một búi chỉ mong manh trong lịch sử nhân loại.
Đặng Hoàng Xa