“Anh sẽ đưa em đến một nơi rất tuyệt”, Mặc Trì lại hiến kế.
Hai người cùng đi về hướng Tây của Đại học Phương Bắc, sau gần
một tiếng đồng hồ thì tới được vùng ngoại ô. Nơi này cách xa hoàn toàn
không gian ồn ào của thành phố với trời cao xanh lồng lộng, bầu không khí
trong lành, thoáng đãng, khung cảnh chẳng khác nào chốn thế ngoại đào
viên. Nhìn những nông trang đều tăm tắp hai bên đường, Mặc Trì bồi hồi
sống lại kí ức: “Hồi nhỏ, vào mùa xuân, bọn anh thường được dẫn tới đây
tham quan và được những người nông dân chỉ cho cách phân biệt các loại
lương thực”.
Tư Tồn bĩu môi: “Trẻ con thành phố thật kém cỏi, lương thực thì có gì
mà phải học cách phân biệt?”. Cô từ nhỏ đã sống ở nông thôn, loại nào loại
nấy đều biết rõ cả rồi.
“Em đừng coi thường, anh đã từng làm ruộng đấy. Hồi cấp hai, khi
bọn anh học trồng trọt, cô giáo yêu cầu mỗi người phải tự trồng một
khoảnh khoai tây. Ba đã dạy anh, lúc khoai tây vừa mới trưởng thành thì
phải đào cả dây khoai từ dưới đất lên, cắt bỏ những củ nhỏ, không phát
triển được trong từng dây, chỉ để lại một củ to nhất, khỏe nhất rồi lại vùi
vào trong đất. Khi thấy anh cắt khoai, các bạn đều cười nhưng cuối cùng
đến thời gian thu hoạch, khoai của anh thuộc loại to và nặng nhất trong lớp
đấy”.
“Tại sao thế?”, Tư Tồn tròn mắt hỏi.
“Em lớn lên ở nông thôn mà điều này cũng không hiểu sao? Nếu mỗi
dây chỉ để lại một củ khoai có khả năng sinh trưởng tốt nhất thì củ khoai ấy
sẽ hấp thu được toàn bộ chất dinh dưỡng, đương nhiên phát triển vượt trội
hơn. Củ khoai anh trồng to như cái bát, nhưng cô giáo lại nói không đạt tiêu
chuẩn”, Mặc Trì vừa nói vừa vẽ ra hình cái bát trong không khí.
“Tại sao vậy?”