“Và ông đã cho anh ta chiếc đồng hồ đó?”, chúng tôi hỏi như thể không
tin là ông ấy có thể làm điều đó. “Không, không phải cho. Tôi đã tặng anh ấy
chiếc đồng hồ đó. Nó được khắc một dòng chữ rất đặc biệt. Một chiếc đồng
hồ đeo tay hiệu Breitling Và cậu ấy đã bật khóc...”
Vị chủ báo mỉm cười nói: “Tôi có thể thưởng cậu ấy 3.500 đô-la nhưng
liệu cậu ấy có hạnh phúc như thế không? Liệu số tiền đó có thể mang lại hiệu
quả cao hơn chiếc đồng hồ không?”.
Tháng sau, khi ông ấy đề nghị Roger nhận một dự án khó, bạn đoán thử
xem, Roger trả lời như thế nào? Anh ấy sẵn sàng nhảy vào lửa vì sếp của
mình. Mỗi khi Roger nhìn đồng hồ xem giờ (động tác này thường được lặp đi
lặp lại khoảng 40 lần ở mỗi người trong ngày), bạn nghĩ rằng ai là người Roger nghĩ đến đầu
tiên?
Chắc chắn việc tìm ra một phần thưởng thích hợp và tổ chức trao thưởng hiệu quả tốn rất
nhiều thời gian, và thời gian chính là tiền bạc. Nhưng theo các nhà quản lý xuất sắc thì thời gian
cho những việc như thế không bao giờ là hoang phí cả.
Phần thưởng luôn tạo ra những giá trị vô hình lớn hơn rất nhiều so với giá trị bằng tiền của
nó. Nó giúp bạn giữ được nhân viên, khuyến khích sự cống hiến, tăng cường động lực làm việc và
bầu nhiệt huyết của nhân viên bạn.
Thực hiện việc khen thưởng mỗi tuần một lần
Năm lần trong ngày - đó là số lần ăn uống mà cơ thể bạn cần để có thể duy trì phong độ cao
nhất. Việc ghi nhận thành tích cũng thế, bạn phải thực hiện thường xuyên và liên tục để phát
huy tối đa tinh thần làm việc của mọi người.
Có nhiều cách ghi nhận thành tích và cũng không quá khó khăn như chúng ta thoạt nghĩ.
Trong quá trình tư vấn cho hàng trăm công ty khách hàng thuộc khu vực Bắc Mỹ, chúng tôi đã
tích lũy được nhiều kiểu khen thưởng rất sáng tạo và đặc biệt hiệu quả.
Có những phần thưởng rất đơn giản, số khác phức tạp hơn. Một câu hỏi thường thấy là:
“Thành tích nào xứng đáng với một phần thưởng lớn, thành tích nào đáng nhận một vé xem
phim?”. Điều đó tùy thuộc nhiều thứ, chẳng hạn như mục tiêu của từng phòng ban và của công
ty, sự đóng góp riêng hoặc chung của những người bạn muốn ghi nhận công lao. Có lẽ không
phải tất cả họ đều là siêu nhân cả, nhưng vài người trong số họ giữ vị trí nòng cốt trong việc đạt
được thành tích đó, trong khi phần còn lại cũng không thể thiếu. Họ là những nhân viên chuyên
cần, sáng tạo, làm việc cực kỳ hiệu quả và chính xác. Vì thế, phần thưởng cho họ phải khác nhau.
Dù thế nào thì cuối cùng bạn vẫn là người phải quyết định phần thưởng nào là thích hợp
nhất, phù hợp nhất với những nét văn hóa công ty bạn. Vì chỉ có bạn mới biết rõ tiêu chuẩn nào
thể hiện tốt nhất thành tích và giá trị của những người được khen thưởng.
Việc này lúc đầu sẽ không dễ thực hiện (đó là lý do tại sao chỉ một vài nhà quản lý làm được
điều này). Nhưng để khen thưởng hiệu quả thì không còn cách nào khác.
Gợi ý về những món “cà-rốt bổ dưỡng”
Sau đây là những ý tưởng có thể giúp bạn tư duy sáng tạo hơn khi ghi nhận thành tích của
một nhân viên. Hãy nhớ rằng không phải mọi phần thưởng đều thích hợp với tất cả mọi người
hay mọi nền văn hóa công ty:
* Nói “cảm ơn” với nhân viên của bạn.