quyền và sự cấp phép của bề trên.” Không thể như thế.
Không rời mắt khỏi trang sách, gã lại ngồi xuống ghế đốt thêm một điếu
thuốc quăn queo. Những dòng chữ lay động lờ mờ đằng sau làn khói xám
uốn éo dưới ánh đèn.
Cum superiorum privilegio veniaque chẳng có ý nghĩa gì hết. Hoặc là
vấn đề rất tế nhị. Cái gọi là phê duyệt ở đây không thể là sự cấp phép chính
thức. Năm 1666, Nhà thờ Công giáo sẽ chẳng đời nào cho phép in một
cuốn sách như thế, bởi vì tiền thân của nó, Delomelanicon, đã bị đưa vào
danh sách cấm từ trước đó một trăm năm mươi năm. Vậy không phải là
Aristide Torchia muốn nói đến sự cho phép của bộ phận kiểm duyệt của
Nhà thờ. Cũng không phải từ phía chính quyền Cộng hòa Venice. Hẳn ông
ta có đấng bề trên khác.
Tiếng chuông điện thoại làm gián đoạn suy nghĩ của gã. Flavio La
Ponte. Hắn muốn báo cho Corso là cùng với mấy cuốn sách (phải mua cả lô
theo thỏa thuận), hắn kiếm được một bộ sưu tập vé xe điện châu Âu, chính
xác là 5.775 cái, tất cả đều có số đọc xuôi và ngược giống nhau, được xếp
theo từng quốc gia trong mấy cái hộp đựng giày. Hắn không nói đùa. Nhà
sưu tầm vừa chết và gia đình muốn tống khứ chúng đi. Có thể Corso biết ai
đó quan tâm. Tự nhiên thôi, La Ponte biết rằng việc sưu tập không mệt mỏi
và đầy bệnh hoạn 5.775 chiếc vé có số đọc xuôi ngược như nhau là hoàn
toàn vô nghĩa. Có ai mua một bộ sưu tập ngu ngốc như vậy? Có, Bảo tàng
Giao thông ở London là một gợi ý hay… Người Anh và những thói ngông
cuồng của họ… Liệu Corso có muốn làm vụ này không?
La Ponte cũng lo lắng về bản thảo của Dumas. Hắn nhận được hai cú
điện thoại từ một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai không chịu
xưng tên, hỏi về Rượu vang Anjou. Lạ, bởi vì La Ponte không nói chuyện
bản thảo với bất kỳ người nào và không định nói gì chừng nào chưa có
được báo cáo của Corso. Corso thuật lại cuộc chuyện trò với Liana Taillefer
và nói rằng gã đã cho ả biết danh tính người chủ mới của tập bản thảo.
“Ả biết cậu thường tới gặp ông chồng quá cố. À mà nhân tiện,” gã nhớ
ra, “ả muốn có một bản copy tờ phiếu thu.”