Chồng Nam Cần còn an ủi anh rằng tính ông vốn là như thế đấy, đừng
để bụng. Thời Việt tất nhiên không để bụng rồi.
Mẹ Nam Kiều không ít lần đá chân bố cô dưới gầm bàn, trách ông:
“Đã nhận con rể rồi còn sầm mặt làm gì? Bắt nạt người ta không có bố mẹ
chống lưng, hay là cảm thấy kiếp trước người ta nợ tiền ông?”.
Đâu chỉ có kiếp trước, ông Nam Hoành Trụ tổn thương đến mức có lẽ
sau tám kiếp cũng không bù đắp hết được.
Ông Nam Hoành Trụ đã điều tra rất kỹ Thời Việt, chắc còn rõ về anh
hơn cả Nam Kiều. Ngồi bên bàn ăn không có gì để hỏi, ông bèn cắm đầu ăn
cơm, chỉ có chồng Nam Cần và Nam Tư trò chuyện đôi câu, lũ trẻ con thì
chí cha chí chách.
Nam Kiều và Thời Việt thì khác hẳn. Hai người ngồi cạnh nhau chứ
không như hai nhà Nam Cần, Nam Tư, giữa hai vợ chồng còn con cái.
Thỉnh thoảng Thời Việt sẽ cười với Nam Kiều, Nam Kiều thấy anh chỉ gắp
thức ăn ở gần, bèn giơ tay gắp thức ăn để trước mặt bố cho anh; anh ăn hai
bát cơm xong liền tỏ vẻ xấu hổ không ăn nữa, cô lại đơm cho anh một bát
đầy ụ theo sức ăn bình thường của anh, mặt không thể hiện chút cảm xúc
nào. Những thứ cô ghét nhất nhưng luôn bị bố mẹ ép ăn như lòng trắng
trứng, bụng cá, rau cần cũng bị Thời Việt lén gắp ra ăn hộ.
Ông Nam Hoành Trụ ngứa mắt lắm rồi. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng
đứa con gái do ông dạy dỗ lại có một ngày yêu đương thế này. Vợ chồng
Nam Cần cũng chưa từng như vậy! Nhưng hai người cũng không làm gì
quá đáng, ông có bới móc được lỗi nào đâu mà mắng? Dù sao ông cũng đâu
thể chỉ thẳng Thời Việt nói: “Tôi cấm anh cười với con gái tôi!” được.
Nam Kiều gắp món thịt ba chỉ nấu dưa, Nam Cần tò mò hỏi: “Tiểu
Kiều, trước kia không phải em không bao giờ ăn món này sao?”.
Nam Kiều nói: “Có ăn”.