Người này, dù phải chịu đựng những rắc rối từ người nghiện rượu, lại
vô thức cổ vũ việc uống rượu của người nghiện rượu. Thông qua sự chấp
nhận này, người đồng phụ thuộc truyền thông điệp rằng họ sẽ luôn ở bên
cạnh để giúp xử lý những rắc rối do hành vi tiêu cực mà bạn đời của họ gây
ra. Mặc dù người đồng phụ thuộc có thể la rầy, than vãn, bào chữa, phàn
nàn, đe dọa và đưa ra các nguyên tắc, song họ hiếm khi sẵn sàng đủ mạnh
mẽ để buộc tội hay tạo ra bất cứ sự thay đổi nào.
Carla và tôi bắt đầu tạo ra những tiến bộ có giá trị trong liệu trình. Tôi
muốn nhìn thấy chị tương tác trực tiếp với cha mẹ nên đã gợi ý chị mời cha
mẹ đến tham gia cùng. Khi họ tới nơi, tôi có thể thấy mẹ của Carla trông rất
buồn. Việc Carla mời bà đến dường như đã gợi mở cảm giác tội lỗi của bà.
Khi tôi bắt đầu bàn luận về những thực tế đau đớn trong tuổi thơ của Carla,
mẹ chị bật khóc:
Tôi rất xấu hổ. Tôi biết mình không phải một người mẹ tốt. Carla, mẹ
xin lỗi. Mẹ thực sự xin lỗi. Mẹ sẽ cố gắng ngừng uống rượu. Mẹ cũng
sẽ đến gặp bác sĩ tâm lý nếu con muốn.
Tôi nói với mẹ của Carla các liệu pháp tâm lý giờ đây đã không còn
hiệu quả để chữa trị cho người nghiện rượu hay bất cứ hành vi nghiện ngập
nào, trừ phi có sự kết hợp với một trong các chương trình Mười Hai Bước,
chẳng hạn như Alcoholics Anonymous (AA). Mẹ của Carla vội vàng năn
nỉ:
Đừng mà Susan, đừng bắt tôi đến AA. Tôi có thể làm mọi thứ cho
Carla trừ chuyện đó.
Đến lúc đó, cha của Carla cắt ngang một cách giận dữ:
Chết tiệt thật, vợ tôi không nghiện rượu! Cô ấy là một người phụ nữ
tuyệt vời, chỉ thỉnh thoảng uống vài ly để thư giãn mà thôi. Hàng triệu
người trên thế giới như cô ấy vẫn đang uống từ xưa tới nay.