Nếu bạn nghĩ mẹ mình đã biết chuyện đó, hoặc bạn đã kể cho mẹ khi
chuyện đó xảy ra, thì bạn có quyền cực kỳ phẫn nộ với bà: phẫn nộ vì thiếu
sự bảo vệ, vì thiếu lòng tin hay đổ lỗi cho bạn, vì đã bị lợi dụng như một
vật hi sinh để giữ gìn hình ảnh gia đình, và phẫn nộ vì mẹ coi bạn không
quan trọng bằng sự bảo đảm tài chính hay hình ảnh của một gia đình bình
thường.
Bức thư Connie gửi cho mẹ là một minh chứng xót xa về sự mâu
thuẫn khủng khiếp mà phần lớn những đứa trẻ bị lạm dụng cảm nhận về mẹ
của mình. Bức thư bắt đầu bằng việc đếm lại số lần bị cha lạm dụng mà cô
đã phải chịu đựng. Sau đó cô tiếp tục bày tỏ quan điểm về vai trò của mẹ
trong bi kịch gia đình:
...Con cảm giác mẹ cũng đã phản bội con. Những người mẹ thường
bảo vệ các cô con gái nhỏ của mình, nhưng mẹ thì không. Mẹ không
chăm sóc con và vì thế ông ta làm tổn thương con.
Mẹ không muốn biết ư? Hay mẹ có quan tâm đâu mà biết? Con giận
mẹ vô cùng vì những năm tháng phải sống trong sợ hãi đơn độc. Mẹ
đã bỏ rơi con. Yên bình mà sống với ông ta quan trọng đến mức mẹ
sẵn sàng hi sinh con. Thật đau đớn khi biết mình không đủ quan trọng
để được bảo vệ. Thật đau đớn khi con phải che đi vết thương đang lở
loét từng ngày. Con chẳng thể cảm nhận mọi thứ như một người bình
thường nữa. Cha mẹ con không chỉ đánh cắp đi tuổi thơ, mà còn đánh
cắp cả cảm xúc của con. Con vừa ghét mà vừa thương mẹ, đến mức
bối rối không biết phải cảm thấy ra sao. Tại sao mẹ không chăm sóc
con hả mẹ? Tại sao mẹ không thương con? Con đã làm gì sai? Mẹ trả
lời con được không?
Sự bối rối rõ ràng của Connie cũng là sự bối rối của mọi nạn nhân bị
cha lạm dụng tình dục về lý do mẹ của họ không thể bảo vệ họ. Như
Connie từng nói: “Đến loài vật còn biết bảo vệ đàn con của mình.”