mày nói chuyện tử tế với bố, không thì đừng nói gì hết.” Tôi chỉ muốn
phát điên.
Trách nhiệm quá mức, mong muốn cứu rỗi cha, sự tự ti cùng nỗi giận
dữ vì cảm xúc bị kìm nén đều là biểu hiện kinh điển của những đứa trẻ lớn
lên trong gia đình có người nghiện rượu.
“Khủng long” trong phòng khách
Nếu các nhân viên Nhà Trắng của Richard Nixon rút ra được bài học
từ bất cứ ai sinh trưởng trong gia đình có người nghiện rượu, thì
“Watergate” sẽ chỉ còn là tên một khách sạn tại Washington. Sự phủ nhận
chiếm tỷ lệ vô cùng lớn trong các gia đình có người nghiện rượu. Kẻ
nghiện rượu giống như một con khủng long trong phòng khách. Với người
ở bên ngoài quan sát, nó quá lớn và không thể làm ngơ, song với những ai
ở trong nhà, nỗi tuyệt vọng trong việc đuổi con quái vật đi buộc họ phải vờ
như nó không ở đó. Đó là cách duy nhất để họ sống chung với nó. Những
lời nói dối, bào chữa và bí mật cũng giống như không khí trong nhà, tạo
nên những xáo trộn cảm xúc cực kỳ lớn với trẻ nhỏ.
Sự biến đổi cảm xúc và tâm lý trong các gia đình có người nghiện
rượu khá giống với những gia đình có người lạm dụng thuốc, dù có hợp
pháp hay không. Mặc dù trường hợp tôi chọn trong chương này tập trung
vào cha mẹ nghiện rượu, thì những trải nghiệm tổn thương của những đứa
trẻ có cha mẹ lạm dụng thuốc cũng không quá khác biệt.
Trải nghiệm của Glenn khá đặc trưng:
Ký ức sớm nhất của tôi là cha trở về nhà sau khi làm việc và tiến thẳng
tới tủ đựng rượu. Đó là thói quen mỗi tối của ông ấy. Sau khi uống vài
ly, ông sẽ xuống bếp với ly rượu trên tay, cái ly chết dẫm chẳng bao
giờ trống rỗng. Sau bữa tối, ông sẽ bắt đầu uống với vẻ cực kỳ nghiêm