túc. Tất cả chúng tôi đều phải giữ trật tự để không làm phiền tới ông.
Chắc chị nghĩ ông ấy đang làm chuyện gì to lớn lắm phải không?
Nhưng không, chỉ là ông đang uống cái thứ nước quả lên men chết tiệt
ấy mà thôi. Nhiều đêm, tôi nhớ chị gái, tôi và mẹ tôi phải dìu ông vào
giường. Việc của tôi là tháo giày và tất cho ông. Chuyện khốn nạn đó
là thứ mà không ai trong gia đình tôi nhắc đến. Chúng tôi làm việc đó
đêm này qua đêm khác. Khi còn nhỏ, tôi thậm chí còn nghĩ rằng việc
đưa cha lên giường mỗi tối là hoạt động thường nhật của một gia đình
bình thường. Việc mà gia đình nào cũng làm.
Glenn được dạy rằng chuyện cha nghiện rượu là một Bí Mật Lớn. Dù
mẹ cậu nhắc nhở không được kể với ai về “chuyện của cha” thì riêng nỗi
xấu hổ cũng đủ để cậu ngậm miệng không hé nửa lời. Gia đình lúc nào
cũng trưng vẻ mặt “mọi chuyện đều ổn” ra bên ngoài. Họ liên minh lại với
nhau để cùng đương đầu với kẻ thù chung. Bí mật trở thành chất keo gắn
kết cả gia đình.
Bí Mật Lớn có ba yếu tố chính:
1. Sự phủ nhận của những kẻ nghiện rượu khi đối mặt với bằng chứng
không thể chối cãi và khi đối mặt với hành vi khiến cho các thành viên
khác trong gia đình sợ hãi và xấu hổ.
2. Sự phủ nhận vấn đề của các thành viên trong gia đình có người
nghiện rượu. Họ thường biện hộ cho kẻ nghiện rượu bằng những lời
như: “Mẹ chỉ uống để thư giãn thôi”, “Cha chỉ vấp chân vào thảm
thôi” hay “Cha mất việc vì sếp của ông ấy xấu tính.”
3. Sự dối trá đằng sau cái gọi là “gia đình bình thường”, vẻ bề ngoài
mà gia đình khoác lên để trưng ra với thế giới bên ngoài.