CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 103

Bây giờ khi nói về Theresa, các bạn cùng lớp đều nói về lòng nhiệt tình giúp đỡ của bé. Và Theresa
cảm thấy mình giỏi giang gấp đôi: cả trong việc học lẫn trong quan hệ với bạn bè.

Làm thế nào để giúp đỡ khi con bị tẩy chay?

Trẻ em ở mọi lứa tuổi nói với tôi rằng bị cả nhóm tẩy chay là một trong những điều các em sợ nhất.
Bé Randy mười tuổi đi học về với khuôn mặt đầy nước mắt vì không có bạn nào mời bé cùng ngồi
ăn trưa. Bé Davida cảm thấy suy sụp bởi vì bé không được mời tới dự sinh nhật bạn.

Có bạn bè và cảm giác được bạn bè chấp nhận là điều cực kỳ quan trọng đối với cả bé trai lẫn bé
gái. Theo Gary Ladd, nhà nghiên cứu của trường Đại học Illinois, trẻ càng lớn thì nhu cầu này càng
cao, và quá trình này diễn ra trong những năm học tiểu học.

Khi tôi gặp những tình huống như trên, mẹ tôi thường nói: “Đừng lo con ạ. Mười năm nữa, con sẽ
quên hết thôi mà”.

Mẹ thật sự muốn an ủi tôi và nghĩ bà đã làm được điều đó, nhưng cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in
rằng mình không hề cảm thấy được an ủi. Tôi không bao giờ nói cho mẹ biết điều này vì không
muốn làm tổn thương tình cảm của bà, thật sự nhưng những lời mẹ nói chẳng hề xoa dịu nỗi đau
trong tôi.

Trẻ em thật sự cần được giúp đỡ để đối phó với những rắc rối nảy sinh giữa bạn bè với nhau. Cách
an ủi trống rỗng, che đậy hay bỏ qua rắc rối sẽ không làm rắc rối mất đi. Tình trạng khó xử này
không dễ dàng giải quyết ngay được.

Bé Ruth mười tuổi thường xuyên không có tên trong danh sách mời và không được tham gia các
hoạt động của những bạn “bình thường”. Trước hết, mẹ hỏi bé xem bé cảm thấy thế nào về việc
này. Ruth nói bé cảm thấy buồn vì không được tham gia vào mọi việc, nhưng bé cũng thấy được an
ủi vì mẹ đã quan tâm trò chuyện với bé về đề tài này. Sau đó, mẹ hỏi: “Con nghĩ con có thể làm gì
hay nói gì để không thấy buồn về chuyện này?” Ruth nghĩ một lúc lâu, nhưng bé không nghĩ ra điều
gì cả.

Sau đó, Ruth đến gặp mẹ và nói: “Có lẽ con sẽ thử tìm những người bạn mới. Có lẽ những bạn cũ
không đáng để con phải lo lắng. Con sẽ không theo đuổi các bạn đó nữa”. Khi mẹ yêu cầu Ruth nghĩ
xem trong lớp có ai khác để bé kết bạn cùng hay không, Ruth đã nghĩ tới Lori, một bạn rất thích
làm vườn. Một hôm, Ruth rủ Lori cùng gieo hạt với mình. Lori tỏ ra rất thích thú, nhưng nói rằng
bé có rất nhiều bài tập về nhà và đang gặp khó khăn với đống bài tập này. Ruth đề nghị giúp đỡ,
Lori vừa ngạc nhiên vừa cảm kích nhận lời. Vài ngày sau, Lori mời Ruth đến khu vườn của mình, và
các em vui vẻ lập kế hoạch gieo hạt cùng nhau. Các em nói chuyện rất nhiều về trường học và về sở
thích của mình. Dần dần, khi trở nên thân thiết, Lori giới thiệu các bạn của mình với Ruth. Ruth
không còn có cảm giác bị cô lập nữa.

Qua trải nghiệm này, Ruth rút ra được một số bài học quan trọng: không được đầu hàng, không tự
thấy chán mình, và rằng bé có năng lực biến một vấn đề thành một cơ hội giải quyết rắc rối. Bé
cũng hiểu rằng để đạt được những mục tiêu quan trọng cần phải có thời gian, nhưng thường thì sự
chờ đợi bao giờ cũng được đền đáp.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.