PHẦN 3. Nuôi dưỡng mối quan hệ
Các bậc cha mẹ biết quan tâm đến việc làm của trẻ cũng sẽ quan tâm đến việc làm của bản thân
mình.
Gia đình là nơi đầu tiên trẻ học cách sống hòa đồng với mọi người. Nhưng trong thời đại công
nghiệp hiện nay, ngày càng có nhiều bà mẹ đi làm, trẻ con thì tập bóng đến tận bảy giờ, quá trễ so
với giờ ăn tối của một đứa trẻ bốn tuổi, các ông bố thỉnh thoảng mới ăn tối ở nhà. Nếp sống lộn xộn
này làm nảy sinh một vấn đề mà người lớn thường cho là vụn vặt và xem nhẹ. Tuy nhiên, đối với
trẻ con thì đó là việc hệ trọng.
Ở Phần 2, tôi đã đề cập đến những tình huống ứng xử cụ thể cần phải xử lý ngay từ khi trẻ còn nhỏ
để ngăn chặn những sự việc nghiêm trọng hơn xảy ra về sau. Ở Phần 3 này, tôi sẽ đi sâu vào những
biện pháp giúp gia đình thắt chặt mối quan hệ, tạo dựng sự tin tưởng và hỗ trợ nhau tăng cường
sức mạnh, củng cố niềm tin cho con cái, giúp chúng vượt qua những thử thách trên đường đời. Tôi
cũng sẽ đưa ra những bí quyết để mỗi gia đình trở thành một thiên đường bình yên của trẻ bằng
cách giúp chúng giải quyết những xung đột trong gia đình, phát triển những kỹ năng cần thiết và
áp dụng vào thực tế.
Mâu thuẫn thường bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm giữa bố và mẹ, chẳng hạn trong việc nuôi
dạy con cái; giữa bố mẹ và con cái (ví dụ, không giữ lời hứa với trẻ) hoặc giữa các anh chị em.
Nhà tâm lý học Lynn Katz cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu mối quan hệ anh chị em ruột mang
lại cho trẻ cơ hội học hỏi về mâu thuẫn như thế nào. Trong gia đình, trẻ lớn tuổi hơn thường có
quyền hơn và đó là lý do nảy sinh mâu thuẫn. Theo một báo cáo, trẻ lớp bốn và lớp năm, trung
bình mỗi ngày có bốn đến bảy vụ cãi nhau giữa anh chị em ruột, kéo dài bình quân tám phút cộng
thêm sáu phút bị ức chế tâm lý sau khi chấm dứt cãi cọ.
Tuy nhiên, mâu thuẫn này lại có mặt tích cực. Trẻ có thể học cách đàm phán, thỏa hiệp, chia sẻ hay
xem xét, trao đổi quan điểm với nhau. Chúng sẽ hiểu ra mỗi người có quan điểm và cảm xúc khác
nhau đối với từng vấn đề cụ thể.
Trẻ có quyền lựa chọn bạn bè nhưng không thể lựa chọn anh chị em ruột cũng như chấm dứt quan
hệ ruột thịt − ít nhất là khi còn nhỏ. Sự bền chặt này là yếu tố giúp trẻ được tự do khám phá những
mong muốn, nhu cầu của bản thân và học cách hòa hợp với nhu cầu, mong muốn của các thành
viên khác trong gia đình.
Tuy nhiên, Deborah Vandell và Mark Bailey của trường Đại học Wisconsin lại cảnh báo rằng không
phải mọi mâu thuẫn giữa anh chị em ruột đều mang tính tích cực. Mâu thuẫn có thể đi quá xa vấn
đề ban đầu và rất khó đưa ra phương án giải quyết chung cho tất cả mọi người. Nếu những mâu
thuẫn tích cực giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa
các thành viên thì mâu thuẫn tiêu cực có thể dẫn tới mối quan hệ thù địch.
Báo cáo của Vandell và Bailey cho thấy chỉ khoảng 10% trong tổng số trẻ em được nghiên cứu
không có xích mích với các anh chị em của mình. Nhóm này một mặt luôn bảo vệ nhau cũng như