CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 123

Bạn cũng có thể tạo cho gia đình thói quen dành một tối cuối tuần bên nhau − có thể là chủ nhật,
sau khi bọn trẻ kết thúc các hoạt động của mình. Hãy thuê một bộ phim và khuyến khích trẻ mời
các bạn đến nhà chơi. Bọn trẻ chắc chắn sẽ thích − đó là cách rất hay để biết mặt các bạn bè của con
và tìm hiểu thế giới của chúng.

Cả gia đình cùng làm những việc đặc biệt vào các ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Bạn không cần phải chuẩn
bị một chuyến đi đến những nơi thật đặc biệt, như Caribbean hay Sahara. Hãy dành thời gian bên
bãi biển, hồ nước gần núi hay công viên. Những khoảnh khắc tuyệt vời đó sẽ in dấu trong trí nhớ
của trẻ suốt cuộc đời và tạo cho chúng nhiều cơ hội chia sẻ những kỷ niệm tuyệt vời cùng gia đình.

Tận dụng những khoảng thời gian quý giá để chia sẻ suy nghĩ cũng như cảm xúc, để lại những mẩu
giấy nhắn hay lên kế hoạch các hoạt động vui chơi cho các kỳ nghỉ là một vài gợi ý mà những gia
đình bị hạn chế về thời gian và bận bịu với công việc có thể áp dụng. Điều này tạo nên sự gắn bó
giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, những gợi ý này cũng có thể áp dụng cho mọi gia
đình.

"Mẹ đã hứa thế à?"

Naomi hứa với con trai, trên đường đi làm về, cô sẽ mua một vài chiếc kem sôcôla cho bữa tráng
miệng.

Lydia dỗ dành con gái rằng nếu bé nín khóc, thứ bảy tới cô sẽ mua cho bé con búp bê mà bé thích.

Margot nói sẽ có mặt tại giải thi đấu Little League đầu tiên của con trai mình.

Tất cả những người mẹ này đều có ý định rất tốt nhưng không ai giữ lời hứa. Naomi quá bận bịu
với công việc ở cơ quan đến nỗi cô quên khuấy mất. Lydia thì thật sự không hề có ý định đưa con
gái đi mua đồ chơi vào ngày cuối tuần − cô nói vậy chỉ vì không biết từ chối đòi hỏi của con như thế
nào để bé thôi mè nheo. Còn Margot bất ngờ phải đi công tác đột xuất vào đúng ngày thi đấu của
con trai.

Hầu hết cha mẹ đều có ít nhất một lần không thực hiện lời hứa với con cái. Một lần sai hẹn có lý do
chính đáng sẽ không gây tổn thương cho trẻ. Nhưng nếu lặp lại quá nhiều lần, bọn trẻ sẽ bắt đầu
phản ứng:

• Trẻ cảm thấy không ai quan tâm đến mình cả;

• Trẻ tin rằng nếu không có ngay thứ mình muốn thì sẽ không bao giờ có nữa;

• Trẻ mất niềm tin vào cha mẹ. Chúng sẽ nghĩ những lời nói của cha mẹ là sáo rỗng và cha mẹ
không coi trọng chính lời nói của mình;

• Thậm chí trẻ sẽ nghĩ người khác cũng như vậy.

Một hậu quả nghiêm trọng nữa của việc thất hứa là lời nói của bạn sẽ mất giá trị. Giả sử, bạn giao
cho con trai nhiệm vụ dọn dẹp phòng riêng, và cậu bé hứa chắc chắn sẽ làm vào ngày mai. Cho dù
đã hứa như vậy, nhưng liệu bé có thật sự nghĩ là phải giữ lời hay không?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.