CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 127

Cả Haley và George đều cho rằng như vậy mới là giải pháp tốt. Hiểu tâm trạng, suy nghĩ của nhau là
bước quan trọng đầu tiên để giải quyết vấn đề.

Nhưng những bài học thường không áp dụng một lần. Lễ Halloween năm ngoái, Haley và George
ôm về ba túi kẹo lớn khi chúng tham gia một trò chơi truyền thống. Dĩ nhiên chúng muốn ăn hết tất
cả số kẹo đó. Bố mẹ cho phép hai chị em lấy hai mươi chiếc, số còn lại sẽ đem cho. Họ cũng chỉ cho
bọn trẻ ăn một chiếc kẹo mỗi ngày. Cả hai đứa đều không phản đối vì theo Haley thì: "Chúng con
không muốn bị đau bụng”. George lấy hai mươi chiếc kẹo, Haley cũng thế. Sau đó, cô bé nói: "Em
George chọn toàn kẹo to hơn, vì vậy, con sẽ lấy thêm năm chiếc nữa”. Câu nói của bé khiến bố mẹ
suýt phì cười nhưng hai người cũng chỉ đồng ý cho bé đổi lấy năm chiếc kẹo khác chứ không cho
thêm.

Có thể bạn cũng thắc mắc giống tôi, rằng tại sao chỉ cho bọn trẻ một ít kẹo như vậy? Sẽ thật lãng
phí nếu vứt số kẹo thừa. Khi tôi hỏi bố Haley và George về điều này, ông nói: “Lấy kẹo chỉ là một cái
cớ để bọn trẻ mặc đồ hóa trang đi đến nhiều nhà khác và vui chơi cùng bạn bè. Nếu hạn chế bọn trẻ
ăn kẹo, chúng sẽ chỉ đến một hoặc cùng lắm là hai nhà mà thôi”.

Một gia đình khác giải quyết số kẹo thừa rất thú vị. Đó là: "Cân kẹo”. Mỗi túi kẹo được cân lên, sau
đó mỗi đứa trẻ nhận được một phiếu đổi quà ở cửa hàng băng đĩa. Giá trị của tờ phiếu dựa vào cân
nặng của túi kẹo. Với cách này, bọn trẻ thường thích băng đĩa hơn là sôcôla. Tuy nhiên, một gia
đình khác mà tôi tiếp xúc nói họ sẽ để bọn trẻ ăn thỏa thích những gì chúng muốn vào ngày hôm
đấy. Cô ấy nói: "Bọn trẻ sẽ chẳng ăn được nhiều đâu. Trẻ con thường no bụng đói con mắt đấy mà”.

Cho dù xử lý thế nào đi nữa thì vẫn còn rất nhiều kẹo. Do vậy, nếu để bọn trẻ cùng tìm cách giải
quyết, tất cả các thành viên trong gia đình đều sẽ vui vẻ.

Tuy nhiên, đối với George và Haley, chúng không chỉ tị nạnh về việc chia kẹo trong ngày lễ
Halloween hay tranh ngồi ghế đầu ô tô. Khi cậu em trai không dắt chó đi dạo như đã quy định, ngay
cả trong trường hợp có lý do chính đáng (cậu bé vắng nhà), Haley sẵn sàng làm giúp cậu em với
điều kiện "George sẽ phải làm bù lần sau”. Bố cô bé nói với tôi: "Haley chắc chắn như một luật sư
vậy. Con bé bảo vệ ý kiến của mình rất mạnh mẽ”.

George tìm ra một vài cách đối phó với tính cứng rắn của bà chị. Nếu đối đầu mà không ăn thua,
thằng bé sẽ có phương án khác để đạt được mục đích. Một buổi chiều, hai chị em đều muốn chơi
điện tử. George kiên nhẫn ngồi chờ lúc chị Haley sơ hở chiếm luôn cái ghế và nhất quyết không
chịu rời.

Bố mẹ Haley hiểu tâm lý của con nên họ biết cách giải quyết vấn đề. Họ hỏi bọn trẻ định nghĩa thế
nào là "công bằng”. Câu trả lời của Haley khá bất ngờ. Cô bé đưa ra một biểu đồ có ghi nghĩa vụ,
trách nhiệm của người liên quan cũng như thời gian thực hiện. Vấn đề sẽ được giải quyết khi
George chấp thuận "bản hợp đồng" nêu trên.

Cách thức bọn trẻ giải quyết vấn đề không quan trọng. Nếu cả hai đều đồng ý với giải pháp chúng
lựa chọn và quan tâm đến cảm xúc của nhau thì nghĩa là chúng đang dần học được cách chung sống
hòa hợp với người khác. Đấy mới là điều quan trọng nhất. Còn nơi nào tốt hơn để dạy trẻ những
điều đấy ngoài gia đình?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.