CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 64

PHẦN 2. Giải quyết và ngăn ngừa rắc rối

Trẻ em nào có khả năng giải quyết rắc rối trước mắt

của bản thân thì cũng sẽ có khả năng giải quyết

những vấn đề quan trọng sau này.

Bạn nhờ con gái rửa bát đĩa nhưng bé từ chối, và khi bạn nhờ lại lần nữa thì bé trả lời theo kiểu
khiến bạn phát cáu lên được. Con trai bạn trở nên chán nản khi mọi việc không diễn ra theo ý bé và
không kiên nhẫn chờ đợi để đạt được mục đích, nhưng bé có thể trì hoãn mãi mới làm điều mà bạn
yêu cầu.

Nghe có vẻ quen quen? Hiện tượng này cũng như các hành vi tương tự, xét trong chừng mực nào
đó, là điều hoàn toàn bình thường. Hầu hết trẻ em đều có rất nhiều lần ra vành ra vẻ và thử thách
lòng nhẫn nại của bạn.

Các hành vi này cũng có thể trở nên khó chịu kinh khủng, đáng lo ngại hơn nếu không được kìm lại,
đôi khi chúng sẽ dẫn tới một dạng gây gổ nghiêm trọng hơn khiến trẻ bị xã hội cô lập. Và những
đứa trẻ hiếu chiến, thiếu kiên nhẫn, hấp tấp khi lớn lên sẽ có nguy cơ sử dụng ma tuý, quan hệ tình
dục không an toàn và có hành vi bạo lực.

Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào hành động theo cách này về sau đều gặp phải những rắc rối
nghiêm trọng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần phải ngăn chặn các hành vi đó càng sớm càng tốt. Điều
này không chỉ làm cho tuổi thơ con cái chúng ta được hạnh phúc hơn mà còn có thể tạo nên mối
gắn kết bền chặt giữa phụ huynh và con cái, chuẩn bị cho bé con bước vào tuổi trưởng thành, khi
con bắt đầu đối diện với những vấn đề phức tạp hơn.

Trong Phần 1, tôi đã nói về việc giúp đỡ trẻ học cách xác định, thể hiện và xử lý cảm xúc, cũng như
cách các em sử dụng các cảm xúc đó để tự kiểm soát đời mình. Trong Phần 2 này, tôi sẽ trình bày
với các bạn về việc trẻ em có thể học cách sử dụng những kỹ năng đó trong đời sống hàng ngày
như thế nào. Sau khi học xong, không những trẻ sẽ bớt đi những hành động gây phiền phức mà còn
ít có nguy cơ gặp phải rắc rối nghiêm trọng trong cuộc sống sau này.

Tôi sẽ cân nhắc nhiều bối cảnh khác nhau, nơi xung đột thường xuyên nảy sinh. Mâu thuẫn về giờ
đi ngủ, bao giờ thì bắt đầu làm báo cáo đọc sách với thời hạn một tuần tính từ lúc này, và chọn thời
điểm thích hợp để nhờ giúp đỡ, tất cả đều là những vấn đề liên quan đến thời gian. Một đề tài quen
thuộc khác mà trẻ hay tranh cãi nhau là sở hữu: làm thế nào để sử dụng chung đồ chơi, thời gian và
không gian sống. Để trẻ em hiểu được tại sao lại không nên khoác lác hay dối trá, các em cần phải
tìm hiểu về khái niệm trung thực và hữu ích. Rồi còn chuyện ngang bướng nữa, dường như trẻ
càng lớn thì càng trở nên khó bảo. Nếu như bạn nhận thấy mình nói câu: “Đừng có hỗn với mẹ!”
quá nhiều lần, bạn sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Để giải quyết toàn bộ những vấn đề này,
trẻ em cần học cách cân nhắc tình hình trên quan điểm của người khác.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.