CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 72

Một phương pháp hữu hiệu nữa để định hướng cho trẻ lần khân là chia công việc ra thành nhiều
bước nhỏ. Chẳng hạn, thay vì bảo: “Tại sao con lại không cất số đồ chơi gần giường của con trước
đi?”, bạn có thể hỏi: “Con muốn làm việc nào trước việc nào sau?”. Ngay cả trẻ ở tuổi mẫu giáo cũng
có thể tự mình quyết định được phải làm việc nào trước và bao giờ thì làm. Trẻ em lớn hơn sẽ biết
đánh dấu, tự mình viết giấy nhắc hoặc ghi ngày vào lịch để theo dõi bao giờ thì cần phải hoàn
thành công việc.

Có thể một số trẻ tìm cách trì hoãn bởi vì công việc thật sự buồn tẻ đối với các em. Nếu con bạn
không bao giờ đổ rác, có lẽ là bé rất ghét mùi thùng rác. Trong trường hợp này, bạn sẽ giao một
việc khác mà bé có thể thực hiện được.

Cũng có thể con bạn muốn sử dụng sự trì hoãn như cách khẳng định sức mạnh, hoặc chứng tỏ cho
bạn biết ai mới là người kiểm soát tình thế (nên nhớ rằng, có thể trẻ không nhận thức hết động cơ
của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là không tồn tại). Cuối cùng, bạn không thể bắt được trẻ
làm việc nhà hay hoàn thành bài tập. Có thể bạn sẽ muốn tìm xem có cách nào để nói chuyện khi
trẻ không muốn làm điều mà bạn yêu cầu không. Nếu cảm thấy bị kiểm soát quá nhiều, có thể trẻ
sẽ thấy cần phải giành lại quyền kiểm soát ở một chừng mực nào đó.

Nếu con bạn vẫn tiếp tục trì hoãn mọi việc, hãy hỏi xem trẻ cảm thấy thế nào về nhiệm vụ đã trôi
qua. Một số trẻ mắc chứng lần khân mãn tính rất sợ phải thất bại. Trong trường hợp này, các em
cần được nghe câu: “Con đâu cần phải làm người hoàn hảo”.

Bạn hãy kể cho trẻ nghe về những lần bạn thử sức ở những lĩnh vực mới và thất bại, hoặc không
làm tốt như bạn từng hy vọng. Bạn cũng nói rằng: “Thử làm những việc mới cũng tốt, ngay cả khi
kết quả không được như ý. Lúc nào con cũng có thể thử lại. Hoặc thử làm một cái gì đó mới hơn”.
Với lời đảm bảo này, con bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng rất nhiều, và bạn cũng vậy.

“Con không thấy là mẹ đang nói chuyện điện thoại sao?”

Bạn đang nói chuyện điện thoại, đang viết hóa đơn hàng tháng, đang đổ rác hoặc đang gội đầu, thì
nghe con bạn nói: “Mẹ ơi, con cần mẹ”.

Nghe giọng của con, bạn biết không có việc gì cần kíp cả, thực tế là bé chỉ muốn biết cái kéo nằm ở
đâu thôi. Bạn đã bảo với con hàng ngàn lần rồi là đừng có quấy rầy khi mẹ đang có điện thoại. Vậy
mà dường như bé chẳng bao giờ nhớ nổi cả. Bạn đã cố làm bé sao nhãng bằng cách chỉ cho bé ra
xem ti vi, nhưng bé không muốn vậy. Bạn phải bỏ dở cuộc điện thoại và cố gắng giải thích cho bé
tại sao lại không nên chen ngang, nhưng như thế sẽ làm người nghe ở đầu dây bên kia sốt ruột vì
bạn vắng mặt quá lâu. Nói tóm lại, bạn thử mọi cách.

Ít nhất thì bạn cũng nghĩ là mình đã cố gắng. Giờ thì hãy thử trò chơi “hai việc một lúc” và xem nó
có phát huy tác dụng hay không nhé. Bạn có thể tiến hành chơi tại bữa tối, trong xe hơi hoặc lúc
đang xếp hàng. Trẻ em thích như thế.

Nếu con bạn đang ở tuổi mẫu giáo, hãy bắt đầu bằng cách tập trung vào hai từ giống và khác.
Chẳng hạn, hãy tạo một động tác cơ thể và nói: “Mẹ vỗ lên đầu. Giờ thì mẹ giậm chân xuống đất. Mẹ
vừa làm hai động tác giống nhau hay khác nhau?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.