hút thuốc vừa tranh thủ trao đổi, hỏi han, từ đường lối quân sự, nghệ thuật
chiến dịch, chỉ huy chiến đấu. Có ý kiến quá nhấn đến đặc điểm đánh ngụy
bây giờ khác hồi kháng chiến chín năm để phủ nhận tính kế thừa của kinh
nghiệm cũ; có ý kiến không nhất thiết phải “đấm” vào quận lỵ, chi khu,
nhấn nhiều đến đánh tập kích, phục kích; vẫn có ý kiến đánh theo phương
thức du kích, tự do lựa chọn mục tiêu, chưa muốn phát triển đánh tập trung
trên cấp trung đoàn, sư đoàn, đánh theo cỡ Bình Giã là thích hợp, chắc ăn.
Đúng là có nhiều ý kiến khác nhau, điều này là cần thiết, con đường dẫn
tới chân lý đâu giản đơn. Cái quý chung mà tôi học được ở các anh là tinh
thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình rất cao đối với những gì mà Tổ quốc đòi
hỏi không ai muốn mình tụt lại phía sau trong cuộc chiến đấu đang đứng
trước những thử thách đầy cam go.
Các vấn đề nêu ra của các anh rất mới mẻ, tế nhị, không giản đơn - như
anh Thanh nói - phải vừa tổ chức đánh địch vừa coi trọng nghiên cứu tổng
kết nắm vững các quy luật hoạt động của địch, từng bước hoàn chỉnh
phương thức tác chiến phù hợp với thực tiễn chiến trường.
Vì vậy sau khi nghe các anh trao đổi, tôi nói một cách thực lòng: ở ngoài
Bắc chúng tôi thường xuyên được Bộ Tổng Tham mưu thông báo về các
diễn biến quân sự trên các chiến trường miền Nam, trước khi vào đây có
được nghiên cứu sư đoàn 5 cụm của Mỹ, tham gia diễn tập sư đoàn chiến
đấu trong điều kiện có vũ khí hạt nhân. Nhưng đó mới chỉ trên lý thuyết.
Qua dự tổng kết được nghe các ý kiến trao đổi, tranh luận với tất cả thực
tế sống động, tôi học được nhiều điểm mới so với thời kỳ đánh Pháp, với
những điều đã học ở trường quân sự nước ngoài. Hình như cách đánh phân
tuyến, cấu trúc trận địa theo các lớp chiến hào đều không phù hợp với thực
tế chiến trường. Nhưng chính lúc này đây, trong tâm trí tôi bỗng hiện về lời
dạy của Bác Hồ trong trận đánh Đông Khê năm xưa, “muốn thắng địch phải
đánh bại các thủ đoạn của địch” vẫn đúng với tình hình hiện nay, không thể
khác được.