Hạ tuần tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch họp lần cuối để chính thức thông
qua quyết tâm chiến đấu và các kế hoạch bảo đảm của các đơn vị hỏa lực,
đặc công, hậu cần.
Qua báo cáo kết quả tình hình địch của đoàn trinh sát thực địa, các
nguồn thông tin của cấp trên, của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng
tôi nhất trí đánh giá:
- Tuy chỉ là một chi khu, nhưng Đồng Xoài là một căn cứ quân sự mạnh
hơn cả tiểu khu Phước Long, nó có một hệ thống công sự liên hoàn, vững
chắc, nhiều lớp; hệ thống hỏa lực được bố trí hiểm hóc, sẵn sàng lưới lửa
dày đặc để chặn đối phương trước tiền duyên bị tấn công. Song đây lại là
một chi khu tương đối biệt lập, sự chi viện trực tiếp của pháo binh từ các
điểm xung quanh bị hạn chế: Đồn gần nhất như cầu Sông Bé cách mười
chín ki-lô-mét về phía tây nhưng không có pháo, tiểu khu Phước Thành
cách ba mươi ki-lô-mét về phía nam, tiểu khu Phước Long cách ba mươi
lăm ki-lô-mét về phía bắc. Về phía ta sau chiến dịch Bình Giã, sau đợt một
của chiến dịch này tinh thần phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ được
nâng lên rõ rệt, đã có những trưởng thành về nhiều mặt, nhất là những kinh
nghiệm về tổ chức, chỉ huy đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng. Trang bị
vũ khí được tăng cường, ngoài bốn khẩu sơn pháo 75 ly của Nhật còn được
bổ sung thêm một số vũ khí bộ binh hiện đại kể cả súng phun lửa được đưa
từ miền Bắc vào theo đường biển cập bến Lộc An (Bà Rịa) tháng 12 năm
1964. Nhưng nếu nói đánh địch trong công sự vững chắc theo đúng nghĩa
của từ này thì đây là lần đầu bộ đội Đông Nam Bộ ra quân, trong khi tư
tưởng ngại đánh lớn, đánh tập trung tuy đã được giải quyết nhưng chưa căn
bản, chưa đủ cơ sở thực tế để thuyết phục. Tuy không phải là phổ biến,
nhưng lẻ tẻ đến đâu vẫn còn nghe những ý kiến: Tiêu diệt địch cỡ nào, đại
đội, tiểu đoàn trên cứ khoán, còn hoàn thành ra sao để đơn vị lo, mắc gì
phải giao mục tiêu cụ thể.