Cái quy trình trong một trận đánh công kiên từ kháng chiến chống Pháp,
bắt đầu là trận đánh Đông Khê ở biên giới Việt - Trung (1950) nay được
sống lại, tất cả như còn mới nguyên, được các đơn vị đón nhận, cố học, cố
luyện, cố nhớ để vận dụng khi vào trận.
Tuy có bận rộn, vất vả nhưng tôi rất hào hứng, phấn khởi thực hiện các
công việc mà Bộ chỉ huy chiến dịch giao. Không khí chuẩn bị bỗng sôi nổi
hào hứng trào lên, lan ra các lán dã ngoại ẩn mình dưới cánh rừng già cách
căn cứ Đồng Xoài hai mươi ki-lô-mét về phía tây bắc(3), càng thôi thúc cổ
vũ tôi làm hết sức mình với tinh thần tất cả cho trận đánh đang tới gần.
(3) Địa điểm trú quân của đội hình chiến dịch ở bắc đường 14 nhằm
phân tán sự phán đoán của địch: đối phương sẽ đánh Đồng Xoài hay Chơn
Thành?
Ngày N đã đến!
Trưa ngày 9 tháng 6 các đơn vị tham chiến được lệnh rời vị trí tập kết
hành quân vào chiếm lĩnh trận địa.
Từ một địa điểm giấu quân giữa cánh rừng già thuộc địa phận khu vực
Chơn Thành, tôi đi cùng với đơn vị tiến vào hướng tây, tây bắc (hướng chủ
yếu của cuộc tiến công - khu phòng ngự then chốt của căn cứ, nơi đặt sở chỉ
huy của chi khu).
Theo kế hoạch, 17 giờ 30 phút mới xuất phát, nhưng Bộ chỉ huy lệnh
cho các đơn vị lên đường sớm một tiếng (16 giờ 30 phút) vì lúc này trời đổ
mưa, một trận mưa to, xối xả ầm ầm như thác đổ bầu trời mờ đục như một
tấm màn ngụy trang thiên nhiên lý tưởng. Đoàn quân đi trong ướt lạnh,
đường trơn, nhưng lại tranh thủ lúc ban ngày, vừa tạo được bất ngờ vừa có
điều kiện quan sát địch; các chiến sĩ đơn vị ĐKZ, đại liên cười nói râm ran
“đỡ phải mò đường, lạc bạn, đỡ bị ngã, lại được ngắm cảnh, nhìn rõ bầu
trời”.