tiểu đoàn còn lại của lữ đoàn 173 gồm 845 quân do 16 máy bay C.130 từ
Biên Hòa chở đến nhảy dù xuống Kà Tum để hoàn thành cánh quân phía
bắc của chiếc móng ngựa và do lữ đoàn 1 của sư đoàn 25 từ đường 22 đánh
sang hướng đông bắc.
Ngày N+1 (tức ngày 23 tháng 2), lữ đoàn 2 của sư đoàn 25 cùng với
trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 (thiếu một tiểu đoàn) từ phía nam theo
đường 4 đánh lên đóng chốt ở Bầu Cỏ, Đồng Pan, Sóc Kỳ nối liền với Kà
Tum, lấy huyện Tà Đạt làm hợp điểm hiệp đồng bao vây bốn mặt toàn bộ
khu vực căn cứ.
Như vậy là bằng phương tiện cơ động nhiều và hiện đại cao, ngay ngày
đầu của cuộc hành quân, tướng Oét-mo-len đã đưa toàn bộ đội hình chiến
dịch cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, pháo cối vào các mục tiêu tiến
công, bao vây, án ngữ toàn bộ khu căn cứ trên các hướng, bằng nhiều lớp bộ
binh và hỏa lực.
Đúng là nếu nhìn trên bản đồ hình thái chiến dịch, ta thấy thế trận hành
quân của địch vừa kín lại vừa hiểm, tưởng chừng đối phương khó có thể lọt
qua vòng phong tỏa bằng bộ binh, xe tăng, thiết giáp và hệ thống hỏa lực
ken dày của địch.
Nhân đây xin được kể một chi tiết ngoài lề:
Tháng 7 năm 1967, tôi được phép của Bộ tư lệnh Miền, đi trong đoàn
anh Nguyễn Chí Thanh, bí thư Trung ương Cục ra Hà Nội nhận kế hoạch
tiến công nổi dậy Xuân 1968, được tin này nhiều bạn bè chiến đấu cũ đến
thăm, hỏi đủ mọi chuyện đi đường, chuyện cảnh vật, nhân tình ở trong đó
và rôm rả nhất là chuyện chiến đấu, chuyện về cuộc hành quân Gian-xơn
Xi-ty.
Chả là trong số bạn bè, có một số muốn hỏi sâu những kinh nghiệm vì
các anh đã nhận lệnh đi B.