phối hợp với du kích, công an địa phương bắt sống một tên phản động nguy
hiểm, tri châu Mộc Châu và một số ở Hướng Càn.
- Tưởng anh hy sinh, chúng em...
- Mình đau quá ngất lịm chứ không chết.
Anh em kéo đến vội cởi chăn và cứ thế khóc òa:
- Xin lỗi chúng em không biết.
Vì vết thương quá nặng, tôi phải đi viện điều trị ba tháng mới hồi phục
sức khỏe, duy có tay phải từ ngày đó đến nay vẫn để di chứng là không viết
được, đành thay bằng tay trái, vì thế chữ vốn gà bới càng thêm gà bới.
Sau trận này tôi được Chính phủ tặng huân chương Quân công hạng ba.
Đầu năm 1948 tôi lại bị thương lần thứ ba, sức khỏe giảm, trên điều về
làm phái viên quân sự của trung đoàn 148, nhiệm vụ xuống kiểm tra, giúp
đỡ các đại đội địa phương Mộc Châu, Thanh Sơn, Thanh Thủy hoạt động ở
tây nam Phú Thọ giáp với vùng địch chiếm Mộc Châu. Nhưng thường tôi
không làm nhiệm vụ được giao mà trực tiếp xuống tổ chức chỉ huy các đại
đội hợp đồng chiến đấu với ý nghĩ cần phải có thắng lớn mới xây dựng
được phong trào của địa phương.
Bỗng một hôm tôi được lệnh trên gọi về giao nhiệm vụ tiểu đoàn phó.
Tôi hơi ngỡ ngàng vì trước đó được anh em nói lại, là Bộ tư lệnh phân khu
4 nhiều lần nhắc: “Định đề bạt cậu lên tiểu đoàn phó từ lâu. Về thành tích
chiến đấu, tinh thần dũng cảm thì không ai có ý kiến gì. Chỉ có một băn
khoăn là trình độ văn hóa cậu kém.” (Đúng là văn hóa của tôi không phải là
kém mà là quá kém, lúc này lớp một cũng chưa xong). Tôi không thắc mắc
về nhận xét này, chỉ băn khoăn sao bây giờ lại đề bạt? Cậu bạn thân của tôi
thuật lại lý do. Đó là một hôm anh Song Hào, chính ủy Khu 10 xuống kiểm
tra đơn vị, có hỏi: