không có khả năng chiếm lại một thị xã bị đánh chiếm(4). Còn Mỹ, không
dễ can thiệp trở lại miền Nam bằng bất cứ hình thức nào để cứu ngụy.
(4) Ngày 3/1/1975, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp đặc biệt của
nội các để đánh giá tinh hình. Y ra lệnh treo giải thưởng 3,2 triệu cho quân
lính tử thủ Phước Long. Khi Phước Long thất thủ, Thiệu từ hô hào “kiên
quyết lấy lại Phước Long” đã sớm được thay bằng lời kêu gọi “dành ba
ngày truy điệu cầu nguyện cho Phước Long”.
Lấy vũ khí địch đánh địch đã được thực hiện có hiệu quả nhất trong
chiến dịch này. Với 3.125 súng các loại, đặc biệt là trên một vạn viên đạn
pháo 105, 155 ly thu được ở Phước Long, cái vốn tích lũy đầu tiên rất quan
trọng cho chiến trường Đông Nam Bộ, đáp ứng được một phần yêu cầu cấp
thiết cho các nhiệm vụ tiếp sau; góp phần giảm bớt khó khăn chung lúc đó.
Sau này được biết tin chiến thắng của bộ đội miền Đông Nam Bộ trong
chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã bay vào phòng họp Bộ Chính trị và
Quân ủy Trung ương, được Bộ Tổng Tham mưu tổng hợp về diễn biến đợt
một của mùa khô 1974 - 1975 để báo cáo trong phiên họp Bộ Chính trị
ngày hôm sau (7 tháng 1), trong đó đã đánh giá: “Chiến thắng Phước Long
là một nhân tố mới cho phép nhìn xa về triển vọng thực hiện kế hoạch tác
chiến chiến lược. Sang đợt hai, ta có khả năng giải phóng từng khu vực lớn
hơn(5).”
(5) Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nhà xuất
bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, trang 168, 169.
Sau chiến thắng, tôi tranh thủ vào thị xã, có dịp trực tiếp xem xét hệ
thống phòng thủ của địch để rút kinh nghiệm cho các trận tiếp sau; thăm
những nơi để cắt nghĩa thêm vì sao ở đó xảy ra những trận đánh ác liệt như
Hồ Long Thủy, dinh tỉnh trưởng.