Lộc Ninh chiều ngày 3 tháng 4 để bàn kế hoạch cụ thể tiến công giải phóng
thành phố Sài Gòn.
Thời gian quá gấp, chỉ còn năm ngày cho công tác chuẩn bị, phải làm gì
và làm như thế nào đáp ứng được yêu cầu thắng lợi của trận đánh. Một điều
đáng lo nếu không nói là chủ yếu, đó là Sư đoàn 7 hiện vẫn đang trên
đường từ Di Linh quay trở lại với một tình hình quân số, vũ khí thiếu hụt,
sức khỏe cán bộ, chiến sĩ giảm sút qua trận vận động tiến công trên một
đoạn đường dài hơn một trăm ki-lô-mét. Làm sao đến nơi có thể bước vào
chiến đấu được ngay với nhiệm vụ đánh vào hướng chủ yếu, diệt mục tiêu
chủ yếu: căn cứ sư đoàn 18 tại thị xã Xuân Lộc?
Ngày 3 tháng 4, sau khi anh Trần Văn Trà giao nhiệm vụ, chúng tôi tiến
hành họp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Trong khi trao đổi nhiều ý
kiến nêu lên: đánh Xuân Lộc bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt
nhất; đánh chiếm thị xã Xuân Lộc trước hay diệt lực lượng đến cứu viện
trước; hướng phát triển của trận đánh, của các sư đoàn sau khi giải quyết
xong Xuân Lộc, vân vân.
Đánh cách nào cũng được nhưng phải quán triệt yêu cầu: tiêu diệt sinh
lực địch và làm chủ Xuân Lộc, phục vụ nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn “tốt
nhất là trong tháng 4”.
Từ nhận thức trên, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định, trên cơ
sở đánh chắc tiến chắc nhưng phải khẩn trương, táo bạo sử dụng một bộ
phận bộ binh, toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng sở chỉ huy tiểu
khu và sở chỉ huy sư đoàn 18, thực hành bao vây, chia cắt, diệt viện, giải
phóng khu vực thị xã.
Tiêu diệt địch và làm chủ đã được thực hiện từ cuộc tiến công chiến
lược năm 1972, thì tiến công và nổi dậy càng được coi trọng, nhất là từ sau
Hiệp định Paris được ký kết.