(3) Xa lộ Biên Hòa do Mỹ mở vào các năm 1955 - 1959, phí tổn lên tới
ba trăm triệu đô la Mỹ. Đường mở vì mục đích quân sự, mặt đường rộng
láng nhựa nhăn, nền đường rắn, kiêm cả đường băng cho một số máy bay
hạ cánh, cất cánh.
Thời gian thật gấp! Nhưng đối với Quân đoàn 4 thời gian càng gấp rút
hơn. Ngày 21 tháng 4 giải phóng Xuân Lộc, ngày 24 tháng 4 bắt đầu vào
trận. Chỉ có sáu ngày chuẩn bị với bao công việc phải làm, không cho phép
chậm, vì từ đây cuộc chiến đấu hiệp đồng trên quy mô lớn, một khâu nào đó
không khớp là ảnh hưởng chung đến toàn cục.
Quân đoàn đang bắt tay vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thì đêm
21 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch điện cho Quân đoàn 4 không thực hiện
phương án cũ, chuyển sang hướng đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến
vào Sài Gòn theo trục đường 1. Hướng đường 15 và xa lộ Biên Hòa - Sài
Gòn giao cho Quân đoàn 2. Cũng là vào Sài Gòn nhưng theo hướng khác,
thế là phấn khởi rồi! Nhưng công việc chuẩn bị thì coi như trở về điểm xuất
phát ban đầu. Nỗi lo không phải riêng một ai, tất cả các đồng chí thành viên
trong Bộ tư lệnh. Không ai thắc mắc vì sao lại thay đổi nhiệm vụ mà lo các
công việc phải chuẩn bị gần như đi từ A đến Z!
Bộ tư lệnh và Đảng ủy Quân đoàn phải qua một đêm trắng bàn bạc, trao
đổi để kịp sáng 22 tháng 4 ra sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ huy chiến
dịch tại Giá Rai báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm chiến đấu với
trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Phó tư lệnh
chiến dịch và là chỉ huy trưởng mặt trận phía đông, gồm có Quân đoàn 4 và
Quân đoàn 2.
Biết anh Tấn đã vào đây, thực tế đang điều hành nhiệm vụ chiến đấu trên
mặt trận phía đông qua các bức điện do anh ký tên. Nhưng tôi vẫn háo hức
muốn đến thật nhanh để gặp anh.
Xe vừa chuyển bánh, tôi nhắc đồng chí lái xe: