trắng, hệ thống các khu dinh điền, ấp chiến lược, thực hiện chiến lược
phòng thủ diện địa, chiếm đất giành dân, vân vân.
Vì vậy tìm cách đánh Mỹ phải từ cách đánh Pháp, vì cả hai cùng có
chung một thủ đoạn tiến hành xâm lược, tuy hình thức và thủ đoạn tiến
hành có khác nhau. Trong suốt chặng đường đánh Mỹ ở Đông Nam Bộ, qua
các chiến dịch: Bình Giã, Phước Long, Đồng Xoài (lần thứ nhất), Bầu
Bàng, Dầu Tiếng đến các chiến dịch Nguyễn Huệ, đường Bảy Ngang -
Rạch Bắp, Đường 14 - Phước Long và ngay cả trận Xuân Lộc trước khi
bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều áp dụng các hình thức
chiến thuật cơ bản như: đánh điểm diệt viện (hoặc vây điểm diệt viện), tập
kích, phục kích, vận động phục kích đánh giao thông, vân vân... (chỉ khác ở
cách vận dụng) mang lại hiệu quả, làm phá sản nhiều chiến lược chiến
tranh, nhiều cuộc phản công chiến lược “tìm diệt”, đánh bại hoàn toàn chiến
lược phòng ngự diện địa của Mỹ với các thủ đoạn chiến thuật cực kỳ tàn
bạo và nham hiểm dựa trên cơ sở trang bị hiện đại như “thiết xa vận”, “trực
thăng vận”, vân vân.
Tiến công! Đó là tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên suốt trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng trong nghệ thuật chiến dịch, chỉ
huy chiến đấu chúng ta đã thực hiện cả cách đánh phòng ngự, vì đó là hai
cách đánh địch cơ bản, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của chỉ
đạo chiến lược.
Cách đánh phòng ngự ở chiến trường Đông Nam Bộ không ngừng phát
triển, nó gần với tiến công mang một cái tên mới - chốt chặn kết hợp với
vận động tiến công tỏ ra có hiệu quả, làm thất bại âm mưu địch trong những
thời điểm quan trọng do chỉ đạo chiến lược yêu cầu như đã kể trên cùng bạn
đọc.
Đông Nam Bộ - mảnh đất gian lao mà anh dũng đã góp phần xứng đáng
vào việc hoàn thiện đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự mang đậm nét
độc đáo Việt Nam.