ba đồng từ tay “bố mẹ nuôi” về bốc mộ cho cha, đến khi từ giã kiếp con
nuôi họ đòi lại.
Chuyện vợ con cũng thật long đong, lận đận. Tục lệ xưa mười chín, hai
mươi tuổi đã lấy chồng, lấy vợ, đã có con bế con bồng. Biết là khổ vì nhà
nghèo nhưng chị tôi lo buồn ra mặt, thấy tôi đã hai mươi tuổi mà chưa có
vợ sẽ trở thành “ông mãnh”(2) dân làng chê cười gán vào hạng “cao số” thì
khổ thân, sau này có muốn cũng không được phải chịu cảnh cô đơn, chị tôi
luôn luôn thúc giục tôi lấy vợ. Người đầu tiên chị tôi nhắm là một phụ nữ
góa chồng, nhưng một tuần sau lý trưởng cưới cô về làm lẽ thứ ba. Không
nản, chị tôi còn ướm hỏi hai, ba đám nữa, cũng là đàn bà góa nhưng đều
không thành.
(2) Ông mãnh, bà cô tục xưa chỉ những người chết không vợ, không
chồng. Những người cô đơn dưới âm phủ, rất không hay đối với những
người thân đang sống trên trần gian.
Tình cảnh không lối thoát, tôi quyết định bỏ làng đi bất cứ phương trời
góc biển nào, miễn là tìm được kế sinh nhai.
Tục xưa bỏ làng là xấu xa, thấp hèn, dân làng khinh rẻ, nên đêm trước
khi rời xa quê tôi tự nhủ mình: Nguyện đã đi là không trở lại. Đã quyết là
đi, đến đâu thì đến, làm việc gì cũng được, ở đợ, làm thuê, đi phu hay đăng
lính, miễn sao thoát khỏi cảnh khốn cùng ở cái quê hương nghèo khổ, đầy
nghiệt ngã này.
Tháng 8 năm 1940, tôi ra Hà Nội, dừng lại ở chợ Hôm, phố Huế. Tại
đây tôi làm đủ nghề: gánh nước, kéo xe bò, vác gỗ, bổ củi thuê, nhưng cũng
chỉ làm tạm bợ, chốc lát để lại cắp nón khoác bị sang nhà khác cầu xin việc.
Cứ thế bữa đói bữa no, ngày thất thểu qua các phố tìm việc, tối ngủ vất
vưởng nơi đầu đường góc chợ, làm bạn với muỗi, chuột.